Theo nghiên cứu mới được công bố của Đại học RMIT có trụ sở tại Melbourne, Úc hợp tác với Google, khảo sát 16.693 người trưởng thành ở 10 quốc gia, bao gồm 1.641 người từ Hàn Quốc, 19,1% phụ nữ Hàn Quốc cho biết họ là nạn nhân của tống tiền tình dục.
Nghiên cứu định nghĩa: tống tiền tình dục hay sextortion, là một hình thức tống tiền bằng hình ảnh bao gồm việc đe dọa chia sẻ ảnh hoặc video riêng tư của nạn nhân trừ khi họ tuân thủ các yêu cầu về hành vi hoặc tài chính của kẻ phạm tội.
Trong số những người đàn ông Hàn Quốc được hỏi, 9,4% cho biết, họ cũng có những trải nghiệm tương tự, đây là tỷ lệ thấp thứ hai.
Những con số này cho thấy, Hàn Quốc không giống với những phát hiện chung của nghiên cứu tại các quốc gia được khảo sát, nơi mà nam giới thường là mục tiêu bị 'xâm hại' nhiều hơn, với tỷ lệ nạn nhân là 15,7%, trong khi phụ nữ là 13,2%.
Trong tổng số 16.693 người trả lời, bất kể giới tính, 14,5% báo cáo là nạn nhân của tống tiền tình dục, trong khi 4,8% thừa nhận là thủ phạm. Loại thủ phạm phổ biến nhất là bạn tình cũ hoặc hiện tại, nhưng nam giới có nhiều khả năng là nạn nhân của đồng nghiệp hoặc người chăm sóc - hơn phụ nữ.
Ngoài ra, Hàn Quốc báo cáo tỷ lệ thủ phạm là nữ cao bất thường, với 16,3% phụ nữ thừa nhận đã thực hiện hành vi tống tiền tình dục. Con số này cao hơn đáng kể so với phạm vi 1,1% đến 5,3% được quan sát thấy ở các quốc gia khác.
Hơn nữa, 15,2% phụ nữ Hàn Quốc báo cáo có cả trải nghiệm là nạn nhân và thủ phạm, tỷ lệ cao nhất trong số tất cả các quốc gia được khảo sát.
Nghiên cứu cũng cho thấy, tình trạng lạm dụng tình dục qua hình ảnh tràn lan ở Hàn Quốc có thể là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên những mô hình riêng biệt này.
"Chúng ta có thể đưa ra giả thuyết rằng, khi cá nhân bị đe dọa phát tán hình ảnh của mình, một số người có thể trả đũa bằng cách đe dọa sẽ chia sẻ lại hình ảnh của thủ phạm" - nhà nghiên cứu chính và giáo sư Nicola Henry tại Trung tâm nghiên cứu công bằng xã hội của RMIT cho biết.
Đồng tác giả Rebecca Umbach, một nhà nghiên cứu tại Google nhấn mạnh đến việc thiếu các nghiên cứu tập trung vào nạn nhân trưởng thành của nạn bóc lột tình dục.
Bà lưu ý: "Hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào trẻ vị thành niên hoặc các nhóm cụ thể, nhưng nghiên cứu này cho thấy nạn bóc lột tình dục ở người lớn rất phổ biến và nhấn mạnh nhu cầu cần có nhiều nghiên cứu và nguồn lực hơn nữa".
Bà Umbach cũng nhấn mạnh nhu cầu cần có sự nỗ lực chung từ các công ty công nghệ và cơ quan quản lý để xây dựng các chính sách và giao thức nhằm phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó với tội phạm tình dục, đồng thời nêu bật trách nhiệm chung trong việc giải quyết vấn đề phổ biến này.