Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hiểm họa đột quỵ rình rập từ bàn ăn

VOH - Khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Trung Á nằm trong nhóm "top 5" có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới do các thói quen ăn uống không lành mạnh.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hồ Nam và Bệnh viện Xiangya số 2 (Trung Quốc). Dựa trên dữ liệu từ 204 quốc gia và 811 khu vực, nhóm tác giả xác định rằng hơn 90% các cơn đột quỵ có thể phòng tránh được nếu kiểm soát các yếu tố như hút thuốc lá, ô nhiễm không khí, ít vận động và chế độ ăn uống không phù hợp.

 DOT QUY 2024
Ảnh minh hoạ

Theo các nhà nghiên cứu, có hai thói quen ăn uống chính làm tăng nguy cơ đột quỵ ở nhiều người châu Á:

  1. Ăn quá nhiều natri
    Lượng natri dư thừa, thường đến từ thói quen ăn mặn, là nguyên nhân hàng đầu. Natri được nạp vào cơ thể chủ yếu qua muối ăn, và ở nhiều khu vực tại châu Á, việc sử dụng muối và gia vị chứa hàm lượng natri cao là điều phổ biến. Chế độ ăn giàu natri có liên quan trực tiếp đến tăng huyết áp, một yếu tố nguy cơ lớn gây đột quỵ.

  2. Ăn thiếu trái cây
    Thói quen ít bổ sung trái cây trong khẩu phần hàng ngày khiến cơ thể không nhận đủ chất xơ và các dưỡng chất quan trọng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, bao gồm đột quỵ.

Ngược lại, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người dân vùng Địa Trung Hải có chế độ ăn uống giúp giảm nguy cơ đột quỵ đáng kể. Chế độ ăn Địa Trung Hải tập trung vào rau, trái cây, cá, các loại đậu, hạt, dầu thực vật lành mạnh như dầu ô liu và hạn chế thực phẩm chế biến sẵn hoặc thịt đỏ.

Các nhà khoa học cho biết, chế độ ăn này có thể giúp giảm đến 40% nguy cơ đột quỵ nhờ cung cấp các dưỡng chất cần thiết, giảm lượng natri và tăng cường chất chống oxy hóa tự nhiên.

Dựa trên những phát hiện này, nhóm nghiên cứu khuyến cáo người dân cần điều chỉnh chế độ ăn uống, tập trung vào:

  • Giảm lượng muối trong bữa ăn hàng ngày bằng cách hạn chế gia vị mặn và thực phẩm chế biến sẵn.
  • Tăng cường tiêu thụ trái cây, rau xanh để cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất.
  • Thay thế các loại dầu không lành mạnh bằng dầu thực vật như dầu ô liu hoặc dầu hạt cải.
  • Hạn chế thực phẩm chứa chất béo bão hòa và thịt đỏ.

Những thay đổi nhỏ nhưng mang tính bền vững này không chỉ giúp phòng ngừa đột quỵ mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác như tiểu đường và bệnh tim.

Nghiên cứu nhấn mạnh: “Những hiểu biết sâu sắc này sẽ là cơ sở để phát triển các chương trình can thiệp chế độ ăn uống, giảm tỷ lệ tử vong và di chứng do đột quỵ, đặc biệt tại những khu vực có nguy cơ cao như Đông Nam Á.”

Bình luận