Trang Sohu đưa tin, một người đàn ông tên Tiểu Lý kể anh mua lọ keo 502 về để gắn lại món đồ bị hỏng. Vừa gắn xong thì có điện thoại gọi tới, anh Lý bắt máy khi chưa kịp cất lọ keo. Cậu con trai 8 tuổi tò mò cầm lên xem, tưởng là thuốc nhỏ mắt nên nhỏ thử vài giọt.
Ngay lập tức cậu bé khóc to vì đau. Tiểu Lý chạy đến xem, thấy tình trạng của con, anh hoảng hốt vô cùng nhưng nhanh chóng nghĩ cách xử lý. Anh lập tức đưa con đến vòi nước, xả nước lạnh vào mắt con nhiều lần. Sau đó, anh dùng nước muối để làm sạch keo.
Sau các biện pháp điều trị khẩn cấp, anh lập tức đưa con đến bệnh viện.
Các bác sĩ khen anh đã bình tĩnh và nhanh chóng có các biện pháp can thiệp kịp thời nên ngăn được hậu quả nghiêm trọng.
Dù vậy, anh Lý vẫn cảm thấy có lỗi với con, cho rằng tai nạn lần này là do sơ suất của bản thân.
Anh nhắn nhủ các bậc phụ huynh nên để các vật dụng nguy hiểm trong nhà ở nơi kín đáo, an toàn, tránh con tò mò sử dụng gây tai nạn.
Trong trường hợp khẩn cấp, người lớn cần bình tĩnh xử lý tình huống và thực hiện các biện pháp sơ cứu chính xác để ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng.
Một số lưu ý dành cho phụ huynh để phòng tránh tai nạn đối với trẻ nhỏ:
Xử lý các cạnh, góc nhọn của đồ nội thất
Các cạnh, góc nhọn của đồ nội thất trong nhà là mối nguy hiểm rình rập con trẻ. Khi chơi ở nhà, trẻ rất dễ bị các vật cứng này va vào, gây thương tích ở đầu, mặt và các bộ phận khác.
Cha mẹ nên bọc các cạnh sắc nhọn lại bằng các thiết bị bảo vệ, giúp giảm khả năng trẻ bị thương khi sơ ý chạm trúng.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể chọn mua đồ nội thất có thiết kế bo tròn hơn và xử lý các cạnh chi tiết hơn để giảm thiểu các mối nguy hiểm.
Lắp đặt hàng rào bảo vệ trẻ em
Đối với những gia đình có con nhỏ, cha mẹ không thể liên tục để mắt đến con. Việc lắp đặt hàng rào bảo vệ trẻ em là một lựa chọn vô cùng sáng suốt.
Hàng rào bảo vệ không chỉ có thể giữ trẻ ở một khu vực an toàn, ngăn trẻ tiếp xúc với những vật dụng nguy hiểm trong nhà mà còn giúp cha mẹ yên tâm hơn khi xử lý các vấn đề khác. Khi chọn hàng rào, bạn nên chú ý đến độ ổn định và độ an toàn của chất liệu sản phẩm.
Đừng để trẻ ở nhà một mình
Bản tính của trẻ là tò mò. Khi ở một mình, trẻ có thể thực hiện một số hành vi nguy hiểm do chưa có ý thức đầy đủ về an toàn như nghịch lửa, chạm vào các thiết bị điện, trèo lên cao… dễ dẫn đến tai nạn.
Vì thế, tuyệt đối không để trẻ nhỏ ở nhà một mình. Nếu cha mẹ cần phải ra ngoài, hãy sắp xếp trước để một người lớn đáng tin cậy chăm sóc con, hoặc mang con theo nếu thuận tiện.
Với trẻ lớn hơn và đã có ý thức, cha mẹ có thể dặn dò lưu ý trẻ về sự nguy hiểm của một số hành động, cách xử lý các vấn đề khi gặp phải.
Để các vật dụng nguy hiểm xa tầm với của trẻ
Một số vật dụng thông thường trong nhà có thể rất nguy hiểm cho trẻ. Ngoài các món đồ như bật lửa, keo dán, thủy ngân trong nhiệt kế cũng có thể gây hại cho trẻ nếu nhiệt kế bị vỡ, trẻ có thể nhiễm độc thủy ngân.
Các hóa chất tẩy rửa, thuốc, vật sắc nhọn như dao, kéo cần được bảo quản và cất trong khu vực trẻ không thể tiếp cận.
Cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra nhà của mình để tìm những vật dụng tiềm ẩn nguy hiểm và thực hiện các bước thích hợp, để đảm bảo môi trường trong nhà an toàn cho con mình.