Tiêu điểm: Nhân Humanity

“Nói chuyện” với người đã mất bằng công nghệ Al

(VOH) – Nhờ sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (Al), một số nhà cung cấp dịch vụ tang lễ tại Trung Quốc đã sử dụng Al để cho phép mọi người “nói chuyện” với những người thân yêu đã mất.

Tết Thanh Minh hay còn gọi là Ngày tảo mộ ở Trung Quốc, rơi vào ngày thứ 4 (5/4 dương lịch năm nay). Vào ngày này, mọi người thường đi thăm viếng, tảo mộ, chăm sóc phần mộ ông bà, tổ tiên, người thân. Các hoạt động đốt vàng mã và cúng dường thức ăn cũng được thực hiện. Đây là dịp để người Hoa ở Trung Quốc đại lục cũng như khắp nơi thế giới bày tỏ lòng thành kính, biết ơn với người đã mất.

Theo Quảng Châu nhật báo, Tết Thanh Minh năm nay, một số công ty tang lễ Trung Quốc đang sử dụng Al, chẳng hạn như Chat GPT hay Midjourney – để mô phỏng lại tính cách, ngoại hình, giọng nói, thậm chí là cả ký ức của người quá cố.

Chỉ với một bức ảnh, bản ghi âm giọng nói và máy lọc, các công ty dịch vụ tang lễ ở Trung Quốc đã có thể tạo ra tấm chân dung như thật của người đã mất. Từ đó, cho phép người thân có thể “nói chuyện” được với những người… đã qua đời.

Được biết, tang lễ đầu tiên bằng công nghệ Al được Công ty dịch vụ tang lễ kỹ thuật số Fushouyn ở Thượng Hải tiến hành vào tháng 1/2022.

Người quá cố là một bác sĩ phẫu thuật người Trung Quốc. Buổi lễ có sự tham sự của hàng chục sinh viên và đồng nghiệp khi đã không có cơ hội tiễn biệt ông lần cuối. Tại đây, nhà cung cấp dịch vụ đã tổ chức một cuộc “trò chuyện” giữa những người còn sống và người đã mất thông qua một màn hình chiếu.

Trên trang web chia sẻ Bilibili, các blogger cũng đã đăng tải trải nghiệm của họ khi sử dụng Al để “nói chuyện” với những người thân yêu đã mất.

“Nói chuyện” với người đã mất bằng công nghệ Al 1
Một blogger đã dùng công nghệ Al để "hồi sinh" lại người bà đã mất của mình - Ảnh: Bilibili

Vào tháng 3, một blogger tên Wu Wuliu đã tải lên một video có tên “Tạo ra bà nội tôi bằng các công cụ Al”. Trong video là những chia sẻ của anh về cách sử dụng Al vẽ tranh và ChatGPT để tạo ra những hình ảnh cảm động về bà nội của mình.

Trong bài đăng của mình, Wu Wuliu cho biết, anh tạo ra video chủ yếu để vơi đi những tiếc nuối vì đã không kịp nhìn mặt bà nội của mình lần cuối, cũng như giúp giảm bớt day dứt về quá khứ. Đồng thời anh cũng hy vọng mọi người hãy trân trọng hiện tại, trò chuyện với những người xung quanh nhiều hơn khi có thể.

Một blogger khác đã dùng phần mềm ChatGPT để hỏi về người mẹ đã mất khi anh mới chỉ 7 tuổi. Sau những thông tin từ cuộc trò chuyện giữa anh với chatbot về việc bản thân mình nhớ mẹ như thé nào, ChatGPT đã nói với blogger: "Ta là mẹ của con khi con 7 tuổi. Mẹ của con là người mãi mãi trẻ trung và sẽ yêu thương con mãi mãi".

Giám đốc điều hành Fushouyn Yu Hao chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng những người còn sống hiểu rằng chết không phải là hết cuộc đời. Và việc mọi người sử dụng Al để phục hồi người đã khuất vì họ cần giải tỏa cảm xúc”.

Tuy nhiên, Yu Hao cũng cảnh báo, mặt trái của việc “hồi sinh người đã mất” có thể khiến người sống không thể dứt ra khỏi được những cảm xúc trong quá khứ.

Một số công ty tang lễ cho biết họ nhận được phản hồi tích cực về việc sử dụng Al để giúp mọi người kết nối với những người thân đã qua đời. Và hiện họ đang xem xét sử dụng các công nghệ để giúp mọi người tiễn biệt thú cưng.

Theo Straits Times

Bình luận