Phát hiện cá thể cầy mực quý hiếm trong rừng Quảng Bình

VOH - Cầy mực có hình thể và bộ lông khá giống loài gấu nên thường bị nhầm là gấu, cũng có nét của chồn nên còn được gọi là gấu chồn.

Dân trí đưa tin, ngày 18/12, lãnh đạo Ban Quản lý khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong (Quảng Bình) cho biết vừa phát hiện một cá thể cầy mực quý hiếm trong lâm phần do đơn vị quản lý.

ca-the-cay-muc-phat-hien-tai-quang-binh-edited-1734516544385-5-3
Cá thể cầy mực do bẫy ảnh ghi lại - Ảnh: Ban Quản lý khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong

Bẫy ảnh ghi lại được hình ảnh của cá thể cầy mực khi nó đang di chuyển trên mặt đất. Đây là cá thể cầy mực đầu tiên được phát hiện ở khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong nói riêng và Quảng Bình nói chung.

Cầy mực có chiều dài 60-95cm, đa số có bộ lông đen tuyền trừ phần mõm phớt trắng. Lông của cầy mực dài, thô, xù; đuôi dài, rậm lông, có gốc đuôi lớn và thon dần về phía mút đuôi.

Loài vật này có hình thể và bộ lông khá giống loài gấu nên thường bị nhầm là gấu. Chúng thuộc chi Arctitis, là sự kết hợp của gấu (arktos) và chồn (iktis), nên đôi khi còn được gọi là gấu chồn.

Cầy mực có tập tính ăn đêm, ngủ trên các cành cây. Thức ăn của chúng chủ yếu là trái cây, ngoài ra còn có trứng động vật, mầm cây, lá cây và các loài động vật nhỏ. Cầy mực có thể đạt tuổi thọ trên 20 năm, là động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo sách đỏ Việt Nam.

Bình luận