Tại đoạn sông Trường chảy qua xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn), giữa cái nắng ban trưa như thiêu như đốt, hơn chục người dân gồm cả trẻ nhỏ trầm mình dưới dòng nước đục ngầu.
Đây là đoạn sông nằm dưới chân đập thủy điện Đăk Mi 4C. Bắt đầu từ khoảng 8-9 giờ sáng mỗi ngày, thủy điện đóng nước khiến dòng sông gần như cạn trơ đáy.
Người dân tận dụng thời điểm này để xuống sông xúc cát đãi vàng cho đến khi thủy điện mở nước phát điện trở lại, nước dâng cao thì nghỉ.

Dụng cụ đãi vàng của người dân khá đơn giản gồm một chiếc xẻng và chiếc mâm gang. Sau khi xúc cát đá dưới lòng sông, họ bỏ vào mâm nhấn chìm xuống nước, dùng tay xoay tròn liên tục. Vàng nặng hơn sẽ nằm lại dưới đáy mâm, những thứ còn lại văng ra ngoài.
Một số người dân khác thì dùng những chiếc máng gỗ để đãi vàng. Trên máng, họ để chiếc rổ, một lớp vải nhung và thảm nhựa gai hoa cúc để giữ vàng.

Sau vài lượt đãi trên máng, người dân đem tấm vải nhung, thảm gai hoa cúc rũ sạch vào mâm gang hình giống chiếc nón để lấy vàng.
Sau khi đãi ra vàng cám, người dân bỏ vào chén sứ rồi đem về nhà, tiếp đó sẽ dùng thủy ngân để tách lấy vàng nguyên chất.
Người dân cho biết công việc đãi vàng khá vất vả vì thường phải ngâm mình dưới nước hàng giờ, luôn phải khom lưng nên đau mỏi toàn thân, đòi hỏi người làm phải có sức khỏe tốt. Nếu may mắn, mỗi ngày một người đãi vàng sa khoáng có thể kiếm được 200.000 đến 300.000 đồng, ngày ít được khoảng 100.000 đồng.