Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ra mắt sách “Những đóa hoa kiên cường – chuyện nghề điều dưỡng”

(VOH) - Cuốn sách nhằm tôn vinh người làm nghề điều dưỡng, đã hy sinh thầm lặng, tận tụy chăm sóc, trao yêu thương và đồng hành cùng người bệnh vượt qua nỗi đau bệnh tật, đặc biệt là trong đợt dịch.

Cuốn sách “Những đóa hoa kiên cường – chuyện nghề điều dưỡng” được NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành do tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ thực hiện được ra mắt nhằm tôn vinh người làm nghề điều dưỡng, đã hy sinh thầm lặng, tận tụy chăm sóc, trao yêu thương và đồng hành cùng người bệnh vượt qua nỗi đau bệnh tật, đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.

Cuốn sách “Những đóa hoa kiên cường – chuyện nghề điều dưỡng” kể về hành trình khó khăn song cũng đầy nỗ lực và cố gắng phi thường của mỗi điều dưỡng để có thể tạo ra những khoảnh khắc kỳ diệu. Thông qua những bài viết và hình ảnh trực quan, người đọc dần dần được khám phá những câu chuyện chân thật, đời thường, những trăn trở và thách thức nghề nghiệp mà mỗi người điều dưỡng đã trải qua, lan tỏa tình yêu, sự sống và tinh thần tích cực đến người bệnh.

Ra mắt sách “Những đóa hoa kiên cường– chuyện nghề điều dưỡng” tôn vinh người làm nghề điều dưỡng 1
Hai điều dưỡng Võ Thị Lành (bên trái) và chị Lê Thị Kim Luyến (áo đỏ) giao lưu tại chương trình ra mắt sách “Những đóa hoa kiên cường – chuyện nghề điều dưỡng”.

Không chỉ lột tả những chuyện nghề giữa đời thường, cuốn sách còn giúp người đọc thấu hiểu và trân quý nỗi vất vả, nhọc nhằn của người điều dưỡng giữa tâm dịch Covid-19. Đó là giữa những ngày TPHCM và một số khu vực phía Nam như Đồng Nai và Bình Dương phải gồng mình trong cơn dịch, hàng trăm điều dưỡng của các bệnh viện công và tư đã chính thức bước vào cuộc chiến “sinh tử”. Họ đã tạm biệt gia đình, cắm trại hoàn toàn ở các bệnh viện để chặn đứng những đau thương mất, gieo hy vọng sống cho những trường hợp ngặt nghèo nhất.

Bà Lê Ngọc Anh Phượng, đại diện nhóm thực hiện sách “Những đóa hoa kiên cường – chuyện nghề điều dưỡng” cho biết: “Chúng tôi muốn gửi một thông điệp gói gọn sự cảm thông, yêu thương và hàm ơn của chính chúng tôi và hàng ngàn trái tim của những người bệnh và gia đình, gia đình và đồng nghiệp tới các anh chị điều dưỡng, những người đã hy sinh thầm lặng, vượt qua các thử thách, khó khăn, đồng hành với ngành y tế nước nhà để mang lại một cuộc sống khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn cho cộng đồng”.

Theo bà Phượng Anh, hiện nay nghề điều dưỡng phải đối mặt với nhiều định kiến xã hội, điều này khiến nhiều người e ngại khi tham gia làm việc trong ngành này. Theo thống kê của Bộ y tế, tỷ lệ trung bình điều dưỡng trên một vạn dân của Việt Nam là 11,4 tức chưa bằng một nữa so với tỷ lệ trung bình toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới dự báo đến 2030, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 50.000 điều dưỡng.

Chị Lê Thị Kim Luyến, người đã gắn bó với nghề điều dưỡng hơn 11 năm cho biết, lúc bắt đầu vào nghề chị rất tủi thân vì đa số người bệnh lẫn người nhà sẽ chú trọng, tôn vinh bác sĩ hơn là người làm nghề điều dưỡng. Có nhiều người không thấu hiểu, và rất xem thường nghề điều dưỡng. Cùng tham gia vào dự án sách “Những đóa hoa kiên cường – chuyện nghề điều dưỡng”, chị Lê Thị Kim Luyến mong muốn mọi người có cái nhìn khách quan hơn, không còn những định kiến xã hội về nghề điều dưỡng. Theo chị, đó là nghề độc lập, người điều dưỡng cũng có tiếng nói riêng của mình, có thể góp ý, hỗ trợ cho bác sĩ để đạt đến mục đích cuối cùng là cứu người.

Bình luận