Bên cạnh sự lo lắng khi tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp cũng như làm sao phòng chống nguy cơ nhiễm bệnh hiệu quả và an toàn nhất khi quay trở lại trường, các em sinh viên còn phải xoay xở với nhiều vấn đề phát sinh khác như tìm được nhà trọ để thuận tiện sinh hoạt.
Sinh viên vất vả tìm nhà trọ vì giá tăng ‘ngút trời’
Theo thông báo của Bộ GD – ĐT cùng quyết định của các trường ĐH, sinh viên trên cả nước đã “rục rịch” đến trường từ ngày 14/2 vừa qua. Thế nhưng thời điểm này bản thân sinh viên và gia đình không chỉ phải chuẩn bị học phí cho học kì mới mà còn phải “chạy đôn chạy đáo” để tìm căn phòng trọ hợp lý.
Điều này là bởi lượng phòng kí túc xá (KTX) của mỗi trường phần lớn đang được sử dụng làm khu cách ly tập trung cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 hoặc ở quá xa trung tâm thành phố. Chính vì lý do đó, nhu cầu thuê phòng trọ bên ngoài tăng lên cao dẫn đến tình trạng nhà trở nên khan hiếm, thậm chí nếu không đặt cọc sớm thì sẽ “mất suất” chỉ sau vài phút.
"Phòng ở đây có giá từ 1,8 triệu đồng, nhưng nếu ở 2 người thì tăng lên 2 triệu đồng. Tính thêm chi phí sinh hoạt, điện, nước, mỗi tháng người thuê phải trả khoảng 2,5 triệu đồng."
"Một tuần trở lại đây, lượng sinh viên thuê nhà trọ ồ ạt tăng cao trở lại, ngày nào cũng có khách đến xem phòng. Đến thời điểm hiện tại thì chỉ còn 1 phòng duy nhất."
"Tuy giá phòng khá cao, dao động từ 2,5 triệu đồng - 3 triệu đồng/phòng nhưng lại nằm gần các trường đại học lớn, trung tâm thành phố nên khá thuận tiện."
"Khách thuê phòng của tôi chủ yếu là sinh viên, đợt dịch vừa rồi mấy bạn về quê hết nên chỉ còn 2 phòng thuê, phòng trọ trống gần hết. Vài ngày gần đây, nhiều sinh viên bắt đầu quay trở lại thuê phòng, từ sáng đến tối lúc nào cũng có người đến xem."
Xem thêm: Đảm bảo an toàn phòng chống dịch nhưng không gây căng thẳng cho học sinh trở lại trường
Sinh viên phải ‘quay xe’ về quê khi trường tiếp tục học online
Nếu như sinh viên ở các tỉnh thành phía Nam như TP.HCM đều đã sẵn sàng tựu trường thì tại Hà Nội, khi số lượng F0 ngoài cộng đồng tăng đột biến mỗi ngày, một số trường ĐH bất ngờ thông báo tiếp tục học online khiến các em rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Theo đó, để chuẩn bị cho việc lên thành phố học, phần lớn các em (đặc biệt là sinh viên năm nhất) phải tìm kiếm và thăm dò nhà trọ, mua sắm các đồ dùng từ ngay sau Tết, đồng thời đã chuyển vào ở nhằm kịp thích nghi. Vì thế, dù trường hoãn học trực tiếp, song nhiều em vẫn phải chọn ở lại trọ vì đã đặt cọc nhà. Ngoài ra, một số gia đình, người thân do lo lắng dịch bệnh căng thẳng nên đã khuyên các em quay trở về quê vì “học online thì ở đâu cũng thế”.
“Mình cũng chưa biết dự tính tiếp theo sẽ như nào vì mình đang khá mông lung sợ rằng hôm sau hoặc tuần sau trường lại thay đổi quyết định học trực tiếp thì cũng khó mà biết trước để tính. Mình cũng biết là tình hình dịch bệnh căng thẳng, trường làm vậy vì muốn tốt cho sinh viên nhưng mà nhiều khi trường thông báo quá gấp, khiến sinh viên bị đẩy vào thế bị động mà không thể xoay sở kịp.”
“Mình đã hỏi ý kiến bố mẹ, bố mẹ thì vẫn cảm thấy việc học online bây giờ là đúng vì dịch bệnh phức tạp nên dự tính là sẽ giữ nguyên tiền cọc vậy, không xin rút. Nếu học online dài dài thì chịu mất tiền trọ vài tháng để giữ phòng luôn, mình thì vẫn ở quê học, chừng nào có thông báo học tại trường thì tính tiếp.”
"Tôi vừa đóng 8 triệu đồng tiền nhà, không thể hủy được nữa. Chỉ vài ngày trước, tôi phấn khởi khi vượt qua 'cuộc chiến tìm trọ', giờ lại thất vọng do sự thay đổi đột ngột này"
"Thời điểm này, nhiều sinh viên cũng ráo riết đi 'săn trọ' để chuẩn bị đi học từ giữa tháng 2 hoặc đầu tháng 3, nên tìm được chỗ ở hợp lý không dễ.
Vì đó, tôi thấy hụt hẫng khi lại phải học online đột ngột, rơi vào thế bị động vì không biết bao giờ mới được gặp bạn bè, thầy cô".
"Khi đó, tôi nghe nói một số trường dự định cho sinh viên đi học trở lại nên bắt đầu xem nhà qua mạng, phòng trường hợp nhận thông báo đột xuất. Ai ngờ, dịch bệnh căng thẳng khiến lịch học tập trung bị hoãn hết lần này tới lần khác"
Không còn nghe giảng online hay phải giao tiếp với thầy cô cùng bạn bè qua màn hình máy tính, nhưng việc trở lại giảng đường học trực tiếp lại đem đến cho sinh viên nhiều thử thách, khó khăn khác. Tuy nhiên, hy vọng rằng các em sẽ không cảm thấy nản lòng, luôn trong tâm thế chủ động và sẵn sàng cho mọi thay đổi phía trước để có một thời sinh viên thật sự ý nghĩa.