Tuấn, 27 tuổi ở Hà Nội, tập gym đều đặn 6 buổi/tuần với mục tiêu tăng cơ nhanh chóng. Để đạt kết quả sớm hơn, anh tăng cường việc tập, sử dụng tạ nặng và rút ngắn thời gian nghỉ. Quan niệm "không đau thì không hiệu quả" khiến Tuấn cố gắng tập với cường độ cao hơn mỗi khi không cảm thấy đau nhức.

Trong một buổi tập deadlift, anh nghe tiếng "rắc" cùng cơn đau buốt dọc sống lưng nhưng vẫn tiếp tục vì cho rằng đó là dấu hiệu bình thường.
Đến hôm sau, cơn đau trở nên dữ dội đến mức không thể cử động. Bác sĩ chẩn đoán Tuấn bị thoát vị đĩa đệm và rách cơ lưng dưới, phải nghỉ tập ít nhất 3 tháng và đối mặt nguy cơ đau lưng mãn tính.
Trường hợp tương tự, một người đàn ông ngoài 30 tuổi chủ quan với cơn đau chân sau khi tập, đến khi chân bầm tím, mất cảm giác mới đi khám và được chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu. Do đến viện muộn, bệnh nhân phải cắt bỏ phần chân bị hoại tử và sau đó còn phát triển huyết khối ở tim và phổi, buộc phải dùng thuốc chống đông suốt đời.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, Trung tâm Y học thể thao Starsmec, nguyên bác sĩ đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam giải thích có hai loại đau khi tập gym.
Đau tốt là DOMS (Delayed Onset Muscle Soreness) là cảm giác nhức nhẹ đến vừa phải xuất hiện 24 - 48 giờ sau khi tập, dần giảm sau vài ngày và không cản trở chuyển động. Đây là dấu hiệu cơ thể đang tái tạo và phục hồi các sợi cơ bị đứt gãy nhỏ trong quá trình tập.
Ngược lại, đau do chấn thương thường xảy ra ngay lập tức trong hoặc sau khi tập, cường độ mạnh, kéo dài và không giảm, thường ở các vị trí khớp, lưng dưới hoặc gân. Nếu kèm theo sưng, bầm tím hoặc giảm khả năng vận động, đây chính là dấu hiệu cảnh báo chấn thương nghiêm trọng.
Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Hội bệnh Mạch máu Việt Nam, cảnh báo tập quá mức có thể dẫn đến huyết khối do cơ chân phát triển mạnh chèn ép tĩnh mạch, gây cản trở lưu thông máu. Tập cường độ cao cũng làm tăng nguy cơ mảng xơ vữa bong tróc, gây đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim ở người có bệnh mạch vành.
Theo Livestrong, nên xen kẽ các bài tập nặng và nhẹ để giảm quá tải khớp và tăng hiệu quả tập luyện. Liên tục tập với cường độ cao như chạy hay nâng tạ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp háng, gối. Các bài tập nhẹ giúp cơ bắp phát triển ổn định và giảm nguy cơ chấn thương.
Người trưởng thành nên rèn luyện sức bền ít nhất 2 lần/tuần, ưu tiên bài tập toàn thân như squat, nâng tạ, gập gối. Kéo giãn cơ khoảng 20 phút vài lần mỗi tuần giúp tăng tính linh hoạt và giảm nguy cơ chấn thương.
Bác sĩ Thủy khuyên nên nghỉ tập ít nhất một ngày mỗi tuần và nghỉ 6 giờ giữa các buổi tập để cơ thể phục hồi. Tránh tập ở nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp và tăng độ khó từ từ để tránh chấn thương. Luôn tham khảo huấn luyện viên hoặc tài liệu chuyên môn để duy trì kỹ thuật đúng.
"Thay vì dùng cảm giác đau nhức để đo lường hiệu quả buổi tập, hãy theo dõi tiến độ thông qua cải thiện về sức mạnh, sức bền", chuyên gia nhấn mạnh.