Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thế hệ kế nghiệp Trung Quốc: Cuộc chiến giữ gìn di sản gia đình giữa thách thức công nghệ số

TRUNG QUỐC - Các thế hệ kế nghiệp Trung Quốc đang phải đối mặt với sự chuyển giao quyền lực và áp lực phải đổi mới để tồn tại. Trong một thế giới đang thay đổi từng ngày bởi công nghệ và thương mại điện tử.

Theo thống kê, hơn 80% trong số hơn 100 triệu doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc là công ty gia đình và 1/3 trong số đó thuộc lĩnh vực sản xuất truyền thống.

Thế hệ kế nghiệp đang phải đối diện với một loạt vấn đề, từ việc cạnh tranh với các công ty lớn hơn đến áp lực từ thương mại điện tử và sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi tiêu dùng.

Các doanh nghiệp gia đình giờ đây không chỉ phải sản xuất những sản phẩm chất lượng với chi phí thấp mà còn phải xây dựng được thương hiệu, tạo dựng mối quan hệ với khách hàng qua các nền tảng trực tuyến.

Mao Lu, cô gái 27 tuổi đến từ tỉnh Giang Tô, đang đối mặt với một thử thách khổng lồ trong việc giữ gìn và phát triển doanh nghiệp gia đình.

Bước vào xưởng dệt mà cha mẹ cô đã gây dựng suốt bao năm, Mao cảm nhận rõ áp lực nặng nề. Doanh nghiệp trị giá hàng triệu USD mà cô đang nắm giữ là kết quả của cả một đời hy sinh của cha mẹ, nhưng đó chưa bao giờ là một phần trong kế hoạch đời cô.

Screen-Shot-2024-11-27-at-19-2-4198-4026-1732710560
Mao ở nhà máy thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc - Ảnh: SixthTone

Mao từng du học ở Mỹ, làm việc trong ngành quảng cáo tại Thượng Hải, nhưng sau một năm đầy mệt mỏi và căng thẳng, cô quyết định bỏ lại công việc để quay về gia đình, nơi cha cô đã quản lý xưởng dệt suốt nhiều thập kỷ.

Mao không ngờ rằng doanh nghiệp của gia đình cô đang đối mặt với những thử thách lớn chưa từng có. Mặc dù đã cố gắng nắm bắt xu hướng thương mại điện tử, thay đổi bao bì sản phẩm và xây dựng thương hiệu trên mạng xã hội, doanh thu của nhà máy vẫn giảm 15% trong năm nay.

Cùng với đó, áp lực về chuyển giao thế hệ ngày càng rõ rệt. Các công ty gia đình tại Trung Quốc, giống như gia đình Mao, đang phải đối diện với một thời kỳ chuyển giao quyết định.

Được gọi là chang erdai (thế hệ kế nghiệp), những người trẻ như Mao đang đứng trước nhiệm vụ nặng nề: Vừa gìn giữ di sản của cha ông, vừa phải thích nghi với thị trường tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng.

Mao không phải là trường hợp duy nhất phải vật lộn với việc hiện đại hóa doanh nghiệp gia đình. Cùng cảnh ngộ là Huang Xiyi, người thừa kế một nhà máy cơ khí tại Quảng Đông. Cô đã tìm thấy một cộng đồng trực tuyến lớn mạnh, nơi các thế hệ kế nghiệp như cô có thể trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau.

Huang chia sẻ rằng sự xung đột giữa tư duy cũ và mới trong gia đình khiến cô gặp không ít khó khăn. Điều này cũng là vấn đề Mao phải đối mặt khi cha cô, ông Yonghui, từ chối các ý tưởng hiện đại mà cô đưa ra, chẳng hạn như cải tiến bao bì sản phẩm hay mở rộng thị trường trực tuyến.

Mao vẫn nuôi hy vọng có thể mở rộng doanh nghiệp gia đình ra Thượng Hải và thực hiện các cải cách mà cô tin rằng sẽ giúp nhà máy tồn tại và phát triển trong thế giới số hóa hiện nay.

Tuy nhiên, đối mặt với những thách thức không chỉ đến từ bên ngoài mà còn từ trong gia đình, cô gái trẻ này vẫn đang từng ngày nỗ lực để giữ vững di sản của cha ông, đồng thời định hình lại tương lai cho chính mình và doanh nghiệp gia đình.

Bình luận