Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin nhanh sáng 28/9: Hơn 600 người ở TP.HCM ‘sập bẫy’ vay tiền ‘lãi suất 0 đồng’

(VOH) – Nhóm lừa đảo đưa ra các thông tin gian dối về việc ngân hàng cho vay từ 20 – 100 triệu đồng với lãi suất 0%. Khách đồng ý vay phải đóng phí bảo hiểm tiền vay từ 1,7 - 3,9 triệu đồng.

Hơn 600 người ở TP.HCM “sập bẫy” vay tiền “lãi suất 0 đồng”

Tối 27/9, Công an quận Tân Phú phối hợp Phòng cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM triệt phá đường dây lừa đảo mạo danh ngân hàng do Nguyễn Hoàng Thạch (28 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) cầm đầu.

Tin nhanh sáng 28/9: Hơn 600 người ở TP.HCM ‘sập bẫy’ vay tiền ‘lãi suất 0 đồng’ 1
Nguyễn Hoàng Thạch tại cơ quan công an - Ảnh: TTO

Theo thông tin ban đầu, để thực hiện hành vi lừa đảo, Thạch thuê một căn nhà trên đường Trần Quang Quá (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú)  cho 82 người làm việc tại đây.

Dựa trên danh sách và kịch bản mà Thạch cung cấp, nhóm trên mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện tư vấn cho vay và đưa ra các thông tin gian dối về việc ngân hàng cho vay từ 20 – 100 triệu đồng với lãi suất 0%. Khách đồng ý vay phải đóng phí bảo hiểm tiền vay từ 1,7 - 3,9 triệu đồng tùy vào số tiền vay. 

Để chiếm đoạt số tiền trên, nhóm của Thạch thuê dịch vụ chuyển phát nhanh giao hợp đồng giả kèm một thẻ ngân hàng giả cho khách và nhờ bưu cục thu hộ các khoản phí bảo hiểm tiền vay.

Những người Thạch thuê có nhiệm vụ như: liên lạc tư vấn dẫn dụ khách, tổng hợp số liệu bị hại, kiểm tra việc khách thanh toán phí bảo hiểm qua bưu điện... Mỗi tháng những người này được trả lương và được thưởng theo doanh số từ 100.000 đến 130.000 đồng/đơn hàng.

Bước đầu, nhóm của Thạch khai đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người trên cả nước, riêng ở TP.HCM là khoảng hơn 600 người. 

Hiện vụ việc đang được công an điều tra mở rộng.

Xem thêm: Bắt giữ ‘nữ quái’ chuyên dùng tiền âm phủ lừa đảo

Rau quả nhập từ Trung Quốc tăng mạnh

Ngày 27/9, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết ước tính giá trị nhập khẩu rau quả trong tháng 9 ước đạt 204 triệu USD, tăng 63,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã chi 1,461 tỉ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ 2021.

Về thị trường nhập khẩu, cập nhật đến tháng 8, Trung Quốc tiếp tục là nguồn cung số 1 với giá trị gần 473 triệu USD, tăng đến 74% so với 8 tháng đầu năm 2021, chiếm gần 38% thị phần.

Trong 8 tháng đầu năm, các nguồn nhập khẩu khác cũng có tăng trưởng 2 con số: Úc (gần 105 triệu USD, tăng 18%; New Zealand (gần 89 triệu USD, tăng gần 25%); Campuchia (gần 46 triệu USD, tăng 50%); Nam Phi, Hàn Quốc, Ấn Độ tăng từ 45% - 69%.

Nhờ giá thành rẻ và chất lượng có sự cải thiện nên trong năm nay, rau quả Trung Quốc, đặc biệt là quả (trái cây) đã tăng mạnh lượng nhập vào Việt Nam. Việc xuất khẩu sang các thị trường xa khó khăn cũng khiến cho lượng hàng đổ sang thị trường gần như Việt Nam nhiều hơn.

Tại thị trường TP.HCM, xuất hiện rất nhiều các loại trái cây như lựu, nho, lê, táo Trung Quốc. Các loại rau củ như cà rốt, hành tây, hành, tỏi… cũng đang chiếm lĩnh thị trường.

Gần đây, rau quả Trung Quốc không chỉ được bán ở chợ truyền thống, hàng rong mà còn xuất hiện tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM và ghi rõ thông tin về xuất xứ.

Xem thêm: 12 đơn vị cấp giấy VietGAP bị yêu cầu báo cáo

Tạm giữ 2 đối tượng lừa người sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao”

Ngày 27/9, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đang tạm giữ Lê Phú Giáp (31 tuổi, trú xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa) và Nguyễn Văn Kiên (30 tuổi, trú thị trấn huyện Hậu Lộc) để điều tra về hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

Tin nhanh sáng 28/9: Hơn 600 người ở TP.HCM ‘sập bẫy’ vay tiền ‘lãi suất 0 đồng’ 2
Nguyễn Văn Kiên và Lê Phú Giáp tại cơ quan công an - Ảnh: TTO (Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp)

Theo thông tin ban đầu, tháng 2/2022, Nguyễn Văn Kiên được người quen biết qua Facebook đưa sang Campuchia làm việc cho một tổ chức lừa đảo công nghệ cao núp bóng “công ty” với mức lương 700 USD/tháng.

Tại đây, Kiên được tập huấn các thủ đoạn, kịch bản lừa đảo tinh vi, được giao lập các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram ảo, lấy thông tin, ảnh mạo danh người khác. Mục đích là để kết bạn, tiếp cận làm quen và lừa các bị hại là người Việt Nam.

Sau một thời gian làm việc tại Campuchia, Kiên rủ Lê Phú Giáp sang làm cùng mình nhưng Giáp không đi được mà giới thiệu anh H.Q.T. (35 tuổi, trú xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, Thanh Hóa).

Anh T. được đón đến khu vực biên giới thuộc tỉnh An Giang rồi được đưa trốn sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch đến chỗ Kiên. Sau vài ngày thử việc nhưng không làm được, anh T. phải nộp số tiền chuộc 2.000 USD để được cho về nước.

Hiện, vụ việc đang được Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều tra.

Xem thêm: Sập bẫy “việc nhẹ lương cao”, 1 thiếu nữ bị bán với giá 2,5 triệu đồng

Bắt khẩn cấp 2 gã đàn ông cướp điện thoại của nữ sinh trước cổng trường

Liên quan đến vụ cướp điện thoại của nữ sinh ngay trước cổng trường, ngày 27/9, Công an huyện Hóc Môn (TP.HCM) cho biết đã bắt khẩn cấp Lâm Tuấn Hải (SN 1984, ngụ quận 12) cùng Lâm Quốc Thi (SN 1987, ngụ huyện Bình Chánh) để điều tra về hành vi cướp giật tài sản.

Tin nhanh sáng 28/9: Hơn 600 người ở TP.HCM ‘sập bẫy’ vay tiền ‘lãi suất 0 đồng’ 3
Lâm Tuấn Hải và Lâm Quốc Thi tại cơ quan công an - Ảnh: NLĐO

Theo thông tin ban đầu, chiều 21/9, em A. (nữ sinh Trường THPT Bà Điểm, huyện Hóc Môn) đứng chờ người thân đón trước cổng trường thì bất ngờ bị 2 người đàn ông đi xe máy áp sát giật điện thoại. Nữ sinh này có giằng co và chặn xe nhưng 2 kẻ gây án vẫn tẩu thoát. Toàn bộ sự việc đã được camera ghi lại.

Nhận được tin báo, Công an huyện Hóc Môn phối hợp với các cơ quan chức năng truy xét, bắt giữ Thi và Hải.

Tại cơ quan công an, cả 2 khai là anh em con chú bác và nghiện m.a t.úy. Vì thiếu tiền mua m.a t.úy nên cả 2 rủ nhau đi cướp giật tài sản. 

TP.HCM: Cấm xe tải, xe khách trên 16 chỗ qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản cấm xe tải, xe khách trên 16 chỗ đi qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) để khắc phục sự cố đứt cáp dự ứng lực ngầm tại nhịp chính.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Trung tâm) phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), các đơn vị có liên quan khẩn trương khắc phục sự cố. Đồng thời theo dõi thường xuyên tình trạng của công trình gồm hệ khung dầm, mố trụ, hệ móng... nếu thấy dấu hiệu bất thường, chuyển vị của công trình và các nguy cơ gây mất an toàn giao thông, phải xử lý khẩn cấp, kịp thời. Ban Giao thông lập phương án đảm bảo an toàn cho công trình, tránh nguy cơ hư hỏng nghiêm trọng. 

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh đã được Trung tâm bàn giao cho Ban Giao thông thực hiện dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh từ tháng 10/2020 cho đến nay.

Cho nên, Ban Giao thông chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự cố công trình này. Trong khi đó, theo Trung tâm, bó cáp dự ứng lực của cầu bị cắt tại vị trí giao cắt với cống hộp của hệ thống thoát nước và cầu Nguyễn Hữu Cảnh xuất hiện vết nứt kéo dài.

Bình luận