Chờ...

Tin nhanh trưa 7/4: Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng Phát lừa đảo 650 tỷ đồng

(VOH) - Phùng Thị Nghệ đã có hành vi chiếm đoạt tài sản với số tiền 650 tỷ đồng thông qua việc huy động vốn để thành lập ngân hàng.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng Phát lừa đảo 650 tỷ đồng

Ngày 6/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với bà Phùng Thị Nghệ (SN 1986, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng Phát) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, Công an TP.HCM nhận được nhiều đơn tố cáo bà Nghệ đã có hành vi chiếm đoạt tài sản với số tiền 650 tỷ đồng thông qua việc huy động vốn để thành lập ngân hàng.

Công an xác định, Nghệ kêu gọi nhiều người đầu tư hùn vốn để kinh doanh xăng dầu, thu đổi ngoại tệ và chi trả lợi nhuận rất rõ ràng, sòng phẳng. Để tạo niềm tin, Nghệ đưa nhiều nhà “đầu tư” về nhà, trụ sở công ty tại quận 7 để khoe siêu xe…

Tiếp đó, Nghệ tung tin sắp thành lập ngân hàng, cần nhiều vốn để những người tin tưởng góp tiền vào cho Nghệ.

Tin nhanh trưa 7/4: Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng Phát lừa đảo 650 tỷ đồng 1
Bị can Phùng Thị Nghệ - Ảnh: Internet

Tháng 7/2021, Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tới tháng 1/2022 thì có quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Để phục vụ công tác điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đề nghị ai là nạn nhân của bị can Phùng Thị Nghệ thì sớm đến trình báo.

Doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm chưa nộp tiền, bắt đầu tính tiền chậm nộp

Ngày 6/4 là hạn cuối cùng của 90 ngày theo thông báo của cơ quan thuế để các công ty trúng đấu giá đất tại Thủ Thiêm nộp 50% giá trị tài sản đấu giá. Thế nhưng, hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm là Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega vẫn chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

Một lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết, tại buổi làm việc với cơ quan thuế trước đó, đại diện của hai doanh nghiệp này cam kết sẽ cố gắng nộp số tiền trúng đấu giá đất tại Thủ Thiêm trong thời gian sớm nhất.

Theo quy chế, trong hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo đóng tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ, các doanh nghiệp phải đóng lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất (đợt 1). Trong hạn 60 ngày tiếp theo, các đơn vị trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại (đợt 2).

Thời hạn đóng tiền đợt 1 của hai công ty trúng đấu giá đất Thủ Thiêm là ngày 7/2 vừa qua, còn ngày 6/4 là thời hạn mà hai công ty trên phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại (đợt 2).

Nếu quá thời hạn 90 ngày mà vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất trúng đấu giá theo thông báo của Cục Thuế TP, các doanh nghiệp này phải đóng tiền chậm nộp 0,03%/ngày trên số tiền chậm nộp. Như vậy, hai doanh nghiệp trúng đấu giá các lô đất 3-5 và 3-8 ở khu đô thị mới Thủ Thiêm còn 90 ngày nữa để đóng tiền sử dụng đất, thực hiện hợp đồng mua đấu giá hai lô đất trên.

Nếu quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế mà hai doanh nghiệp trên không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá, Trung tâm Phát triển quỹ đất (đại diện chủ sở hữu) sẽ báo cáo Sở Tài nguyên - môi trường trình UBND TP hủy kết quả đấu giá. Tiền đặt cọc sẽ thuộc về ngân sách, các lô đất sẽ được Nhà nước đưa ra đấu giá lại hoặc giao đất theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cảnh báo cơn sốt đất ảo

Sáng 7/4, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết đã có công văn gửi các đơn vị cảnh báo về tình trạng tạo điểm nóng sốt đất để trục lợi.

Theo đó, thời gian gần đây xuất hiện một số nhóm người có chủ ý tạo ra những đợt sốt đất ảo, nhất là địa bàn nông thôn ở các tỉnh, thành cả nước, trong đó có huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) nhằm mục đích trục lợi.

Nhóm người này tạo điểm nóng để đăng tin không chính xác về nhu cầu người dân chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giao dịch đất đai tại huyện Hòa Vang.

Tuy nhiên, qua khảo sát, tìm hiểu thì hầu hết người dân thực hiện giao dịch thật sự không quá nhiều. Trong các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội, phần đông đều là những nhóm người môi giới mua bán đất đai, môi giới làm thay thủ tục đất đai cho người khác.

Tin nhanh trưa 7/4: Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng Phát lừa đảo 650 tỷ đồng 2
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cảnh báo người dân cần thận trọng trước các chiêu trò tạo điểm nóng sốt đất để trục lợi - Ảnh: TTO

Thủ đoạn của các nhóm người nêu trên là đưa lên mạng xã hội hình ảnh phô trương nhu cầu, quy mô lượng người giao dịch mua, bán đất đai để tạo nên làn sóng gây sốt ảo về nhu cầu. Từ đó khiến giá đất tăng cao và trục lợi từ việc mua bán đất.

Sở Tài nguyên và Môi trường cảnh báo, việc mua đi, bán lại diễn ra liên tục sẽ dẫn đến việc người cuối cùng có tham vọng đầu tư kiếm lời nhầm tưởng giá đất sẽ tăng từng ngày nên mua vào với giá rất cao, không đúng với giá trị thực tại thời điểm giao dịch. Việc giá đất bị thổi phồng cũng sẽ gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân vùng nông thôn vốn yên bình.

Đà Lạt: Chồng giết vợ rồi chôn xác phi tang

Sáng 7/4, Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường, thi thể người phụ nữ bị chôn trong vườn cà phê tại thôn Xuân Trường 2, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt.

Trước đó, chiều tối 6/4, người dân địa phương phát hiện một thi thể đã phân hủy nặng, bị chôn giấu gần một am thờ, xung quanh là vườn cà phê đã bị cắt ngang mặt đất.

Xác định đây là vụ án mạng có tính chất rất nghiêm trọng, Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương vào cuộc điều tra, truy tìm hung thủ.

Kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi xác định, nạn nhân là nữ, đã tử vong và bị chôn giấu xác cách đây khoảng 3 tháng.

Tin nhanh trưa 7/4: Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng Phát lừa đảo 650 tỷ đồng 3
Cơ quan chức năng khám xét nhà nghi phạm - Ảnh:SGGP

Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã xác định nạn nhân là chị T.T.K.Tr. (sinh năm 1997). 

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã xác định được nghi phạm là Đoàn Thanh Trí (sinh năm 1992, là chồng của nạn nhân).

Tại cơ quan điều tra, Trí khai nhận cuối năm 2021 đã dùng dao đâm chết vợ trong lúc xảy ra mâu thuẫn gia đình. Sau khi gây án, Trí đưa xác vợ ra vườn cách đó khoảng 200m, đào hố rồi chôn phi tang.

Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.

TP.HCM: Kiến nghị chi hơn 138 tỷ mỗi năm hỗ trợ bác sĩ, người lao động tại trạm y tế

Sáng 7/4, tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa X, bà Phan Thị Thắng (phó chủ tịch UBND TP.HCM) đã trình chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và đến năm 2025.

Cụ thể, Bác sĩ đang tham gia chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế, mức hỗ trợ là 60 triệu đồng/18 tháng.

Điều dưỡng, hộ sinh đang tham gia thực hành tại trạm y tế, mức hỗ trợ là 30 triệu đồng/9 tháng.

Về nhóm đối tượng là người lao động cao tuổi tại trạm y tế đang hưởng lương hưu hằng tháng không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp:

  • Đối với người lao động cao tuổi có chuyên môn bác sĩ, hợp đồng với mức lương là 9 triệu đồng/tháng.
  • Người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế khác, trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ, hợp đồng với mức lương là 7 triệu đồng/tháng.

Nhóm đối tượng là người lao động cao tuổi tại các trạm y tế tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp:

  • Đối với người lao động có chuyên môn bác sĩ, lương và các khoản chi phí đóng các loại bảo hiểm là 9 triệu đồng/tháng.
  • Trường hợp người lao động có chuyên môn y tế khác, trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ, lương và các khoản đóng các loại bảo hiểm là 7 triệu đồng/tháng.

Nhân viên vệ sinh, bảo vệ làm việc tại trạm y tế nhưng không thuộc đối tượng chi trả từ nguồn quỹ tiền lương của đơn vị: lương và các khoản chi phí đơn vị sử dụng lao động đóng bảo hiểm bắt buộc cho người lao động là 5,5 triệu đồng/tháng.

Theo đó, UBND TP dự trù kinh phí thực hiện khoảng hơn 138 tỷ mỗi năm.