Chờ...

Tokyo mở ngân hàng tinh trùng dành cho người hiến tặng chịu ‘tiết lộ danh tính’

VOH - Một ngân hàng tinh trùng chỉ dành cho những người hiến tặng đồng ý tiết lộ danh tính của mình sẽ được thành lập tại một phòng khám ở Tokyo, Nhật Bản.

Đơn vị dự kiến thành lập ngân hàng tinh trùng này cho biết vào ngày 2/5.

Hiromi Ito, người tư vấn về vấn đề vô sinh – cũng là người dẫn đầu nỗ lực thành lập ngân hàng tinh trùng này hy vọng "sẽ tạo ra một xã hội nơi các bậc cha mẹ có thể công khai cho con cái biết sự thật về quá trình sinh nở của chúng" thông qua ngân hàng tinh trùng tại Private Care Clinic Tokyo.

Ito, người đã sinh 2 con nhờ tinh trùng hiến tặng cho biết, cô đặt mục tiêu thành lập ngân hàng vào cuối năm nay.

ngan-hang-tinh-trung-020524
Hiromi Ito chụp ảnh tại Phòng khám Tư nhân Tokyo vào ngày 30/4/2024, tại thủ đô Nhật Bản - Ảnh: Kyodo

Tại Nhật Bản, thụ tinh nhân tạo sử dụng tinh trùng hiến tặng bắt đầu vào năm 1948, với hơn 10.000 người được cho là đã được sinh ra nhờ phương pháp này. Việc hiến tặng tinh trùng ở Nhật hầu như chỉ được thực hiện dưới hình thức ẩn danh.

Hiện nay, 16 cơ sở y tế đã đăng ký với Hiệp hội Sản phụ khoa Nhật Bản để thực hiện thủ thuật hỗ trợ này.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở y tế đã ngưng dịch vụ này do ngày càng nhiều người cảnh giác với việc cung cấp tinh trùng - trong bối cảnh toàn cầu có động thái công nhận “quyền của trẻ em được biết cha mẹ ruột của mình” trong những năm gần đây.

Ito cho biết, cô lo ngại rằng, việc giảm các dịch vụ hiến tặng tinh trùng đã thúc đẩy các bậc cha mẹ tìm kiếm những cách khác để nhận tinh trùng, chẳng hạn như sử dụng mạng xã hội, điều này có thể dẫn đến các giao dịch có rủi ro cao với các cá nhân.

Theo Ito, ngân hàng tinh trùng theo kế hoạch sẽ không chỉ an toàn cho người dùng mà còn "chia sẻ với các bên quan tâm để có thể sử dụng nó bất kể họ sống ở đâu".

Thông qua trang web chính thức, phòng khám sẽ thu hút nam giới từ 20 đến 45 tuổi và sau đó lựa chọn người hiến tặng dựa trên các xét nghiệm chức năng tinh trùng và liệu họ có mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay không.

Tinh trùng hiến tặng sẽ được đông lạnh tại phòng khám và lưu trữ cùng với thông tin cá nhân của người hiến tặng. Do phòng khám không có khoa sản phụ khoa nên sẽ gửi tinh trùng đông lạnh đến các cơ sở đã đăng ký với Hiệp hội Sản phụ khoa Nhật Bản để thực hiện thụ tinh nhân tạo.

Phòng khám sẽ tính phí khoảng 70.000 yên (tương đương 449 USD) cho một đợt thụ tinh nhân tạo để chi trả cho việc xét nghiệm, lưu trữ và các khoản phí khác.

Cô Ito nói: “Tại Nhật Bản, các tổ chức y tế đã yêu cầu bảo mật từ người cho và người nhận (tinh trùng) và thủ tục này được coi là điều đáng cảm thấy tội lỗi”.

Cô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thông báo cho những đứa trẻ được sinh ra từ tinh trùng hiến tặng ngay từ giai đoạn đầu về hoàn cảnh ra đời của chúng, đồng thời nói rằng, việc bất ngờ phát hiện ra sự thật sau này có thể gây sốc sâu sắc.