Ngày 7/9, trên SGGP Online, bà Nguyễn Thị Huỳnh Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM cho biết, công ty đã sẵn sàng mọi phương án để xử lý khi có sự cố cây xanh trong mưa bão
Theo đó, trước mùa mưa bão, công ty đã đẩy mạnh công tác xử lý cắt tỉa cây xanh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự cố cây xanh xảy ra gây thiệt hại về con người, phương tiện tham gia giao thông và các công trình công cộng khác.
Đơn cử như chiều 4/9, do ảnh hưởng thời tiết xấu, trời có mưa lớn kèm theo dông lốc trên địa bàn các quận trung tâm đã gây ra các sự cố cây xanh gãy, đổ.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, công ty đã huy động lực lượng xử lý sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt và vệ sinh môi trường.
Từ đầu năm đến nay, công ty đã thực hiện đốn hạ 1.932 cây, cắt thấp 57 cây, đồng thời thu gọn các nhánh cây vươn dài trên đường phố và trong công viên.
Thực hiện cắt tỉa cây xanh trên đường Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM - Nguồn: SGGP.
Để ứng phó với cơn bão số 3, khi có thông báo của các cơ quan ban ngành (Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM…) về khẩn trương triển khai ứng phó bão, công ty cũng đã triển khai đến các đơn vị trực thuộc tập trung lực lượng nhân công, phương tiện tăng cường ứng trực xử lý sự cố cây xanh; chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.
Công ty thực hiện tuần tra, kiểm tra hệ thống cây xanh đường phố và trong các công viên sau mưa dông, khu vực thường xuyên tập trung đông người, khu vui chơi, đường đi dạo…đề xuất chủ đầu tư xử lý kịp thời các cây xanh gãy cành nhánh, nghiêng...
Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TPHCM cũng cho biết, đơn vị đã ban hành kế hoạch phòng tránh, ứng phó và khắc phục sự cố lĩnh vực cây xanh trong mùa mưa bão 2024.
Cụ thể, đối với giai đoạn phòng tránh, đơn vị yêu cầu các bên có liên quan thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra hệ thống cây xanh trên đường phố, công viên; rà soát, chống sửa cây nghiêng, cong; cắt mé gọn tán, nhánh vươn dài; đốn hạ thay thế cây chết khô…
Giai đoạn ứng phó, đơn vị cũng đã chỉ đạo các bên triển khai phương án xử lý, bố trí các vị trí ứng trực và chủ động điều phối nhân lực để tham gia công tác ứng phó, khắc phục sự cố; phân công nhân sự ứng trực thường xuyên, đột xuất để phối hợp cùng các đơn vị liên quan trong công tác ứng trực, xử lý sự cố.
Đối với giai đoạn khắc phục, đơn vị yêu cầu ưu tiên khẩn cấp đưa người bị nạn (nếu có) đi cấp cứu, điều trị; tổ chức ngay phương án, biện pháp xử lý, phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục nhanh hiện trường, đảm bảo cho việc giao thông và an toàn giao thông.
Khắc phục, xử lý các công trình hạ tầng công cộng và công trình của người dân bị hư hại do sự cố gây ra để đảm bảo an toàn giao thông và đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho người dân (điện lực, cấp nước, chiếu sáng, viễn thông…); dọn dẹp hiện trường, đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị.