Đăng nhập

Từ điển số 15/2: Học thêm - Cứu cánh kiến thức hay vòng xoay áp lực?

VOH - Học thêm từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống giáo dục Việt Nam. Nhưng liệu đó có thực sự là giải pháp nâng cao kiến thức hay chỉ là một cuộc đua không hồi kết?

Hôm nay, Từ điển số của chúng ta sẽ cùng bàn về một chủ đề xưa như trái đất nhưng vẫn luôn gây tranh cãi  chính là: DẠY THÊM – HỌC THÊM. Và cùng giải đáp câu hỏi: học thêm có thực sự cần thiết? Nếu không học thêm, có theo kịp chương trình không? Và liệu việc dạy thêm có bị lạm dụng hay không?

Tại Việt Nam, hơn 30% học sinh tiểu học và 50% học sinh trung học tham gia các lớp học thêm. Không hiếm trường hợp các em nhỏ vừa vào lớp 1 đã phải "chạy sô" từ lớp chính khóa đến lớp học thêm. Nguyên nhân nào khiến việc học thêm phổ biến đến mức trở thành một "hiện tượng giáo dục" khó bỏ?

Bản sao của thumb liên cầu lợn (40)Xem toàn màn hình
Nguyên nhân nào khiến việc học thêm phổ biến đến mức trở thành một "hiện tượng giáo dục" khó bỏ?

Một phần lý do đến từ chương trình học nặng nề, khiến học sinh lo ngại nếu không học thêm sẽ không theo kịp bạn bè. Áp lực thi cử cũng là một yếu tố quan trọng, đặc biệt với những kỳ thi chuyển cấp quan trọng như vào lớp 10 hay tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, kỳ vọng từ phụ huynh với tâm lý "học nhiều mới giỏi" càng khiến việc học thêm trở thành chuyện hiển nhiên.

Tuy nhiên có nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề này. Số đông hiên nay ủng hộ quan điểm này vì họ nghĩ rằng cho con mình đi học thêm sẽ tiếp cận được với kiến thức tốt hơn.

Một số phụ huynh có con đang trong thời gian học chuyển cấp chia sẽ rằng :"Thời đại này, nếu con không học thêm, làm sao cạnh tranh được với bạn bè? Kiến thức trong trường chỉ là phần cơ bản, muốn vào trường tốt thì cần học nâng cao. Tôi không muốn con mình bị tụt lại phía sau."

Nhiều giáo viên cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng chương trình học hiện nay khá rộng, giáo viên trên lớp chỉ có một khoảng thời gian nhất định để giảng bài. Học thêm giúp học sinh có cơ hội luyện tập nhiều hơn, nhất là với những em có mục tiêu thi vào các trường top đầu.

Với một số học sinh, học thêm là cách giúp các em có thêm thời gian ôn tập và tiếp cận phương pháp giảng dạy khác nhau. Các em  không thấy học thêm quá áp lực. Thực ra nó giúp hiểu bài sâu hơn, nhất là những môn còn yếu. Nếu học đúng cách, nó có ích chứ không chỉ là gánh nặng.

Ngược lại, nhiều người cho rằng học thêm đã bị lạm dụng quá mức, khiến học sinh mất cân bằng trong cuộc sống. Một số phụ huynh chia sẽ rằng thấy con mình đi học suốt ngày, không có thời gian nghỉ ngơi. Hết học chính khóa lại đến học thêm, tối về còn phải làm bài tập. Trẻ con bây giờ còn bận hơn cả người lớn!

Không chỉ phụ huynh và học sinh, một số giáo viên cũng bày tỏ lo ngại. Có những học sinh đi học thêm cả khi chưa thực sự cần thiết. Nếu chương trình học chính khóa được cải thiện, dạy học hiệu quả hơn, thì nhu cầu học thêm có thể giảm đi rất nhiều. Một số chuyên gia giáo dục cũng lên tiếng cảnh báo Học thêm vốn dĩ không xấu, nhưng nếu biến nó thành áp lực thì lại phản tác dụng. Trẻ em cần thời gian để phát triển toàn diện, không chỉ là học kiến thức mà còn là rèn luyện kỹ năng mềm, phát triển tư duy sáng tạo. Nếu suốt ngày chỉ cắm đầu vào học thêm, các em có thể mất đi sự cân bằng trong cuộc sống.

hoc-them-1-4233-5626
Nghe đến việc phải đi học thêm, nhiều em học sinh phải rùng minh vì áp lực đi học quá nhiều dẫn đến cơ thể mệt mỏi, thiếu tinh thần đến kiệt quệ.

Vậy học thêm có thực sự có hại?

Không hẳn! Nếu học đúng cách, đây có thể là công cụ giúp học sinh củng cố kiến thức, nâng cao kỹ năng và tự tin hơn khi thi cử. Nhưng nếu học quá tải, học sinh dễ rơi vào tình trạng kiệt sức, mất cân bằng cuộc sống. Có những em học cả tuần không có ngày nghỉ, Chủ Nhật cũng trở thành "ngày thứ 8 của tuần học chính khóa".

Để kiểm soát tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, siết chặt quản lý hoạt động dạy thêm – học thêm. Không cấm hoàn toàn, nhưng cần đảm bảo việc học thêm không trở thành gánh nặng cho học sinh.

Để giải quyết bài toán học thêm một cách hợp lý, các chuyên gia giáo dục đề xuất một số giải pháp:

  • Cải cách chương trình học: Giảm tải nội dung, tập trung vào học sâu thay vì nhồi nhét kiến thức.
  • Đổi mới phương pháp giảng dạy: Nếu giờ học chính khóa hiệu quả hơn, học sinh sẽ không còn cần học thêm quá nhiều.
  • Thay đổi tư duy phụ huynh: Học nhiều chưa chắc đã giỏi, quan trọng là học đúng cách, đúng nhu cầu.
  • Học thêm có chọn lọc: Không phải môn nào cũng cần học thêm, học sinh nên xác định môn nào thực sự cần để tránh lãng phí thời gian và công sức.
vv
Một số quy định về dạy thêm - học thêm của Bộ GD&ĐT theo thông tư số 29/2024- TT-BGDĐT.

Dạy thêm – học thêm không hoàn toàn là tiêu cực. Nếu được tổ chức hợp lý, đây có thể là công cụ hỗ trợ học sinh củng cố kiến thức. Tuy nhiên, khi nó trở thành áp lực, khiến học sinh mất cân bằng giữa học tập và cuộc sống, thì cần phải xem xét lại.

Quan trọng nhất, học thêm cần xuất phát từ nhu cầu thực sự của học sinh, chứ không phải là sự chạy đua theo xu hướng hay áp lực xã hội. Nếu mỗi người đều có nhận thức đúng đắn về việc học thêm, vòng xoáy "học thêm – thi cử – áp lực" sẽ dần được kiểm soát, giúp học sinh có một môi trường giáo dục lành mạnh và hiệu quả hơn.

Học thêm không phải là vấn đề, mà vấn đề nằm ở cách chúng ta tiếp cận nó. Nếu được kiểm soát hợp lý, đây có thể là công cụ hỗ trợ học sinh thay vì trở thành vòng xoáy áp lực không hồi kết. Quan trọng là biến học thêm thành một lựa chọn thông minh, thay vì một nghĩa vụ nặng nề.

Hãy cùng Từ điển số chia sẽ cảm nhận và suy nghĩ của bạn về vấn đề này nhé.

Bình luận