Tuổi Giáp Thìn
Phan Đình Phùng (1844-1895): Chí sĩ, anh hùng chống Pháp, quê Hà Tĩnh. Đỗ đình nguyên năm 1877, làm quan triều Tự Đức tới chức Ngự sử. Yêu nước và khảng khái, ông thẳng thắn lên án thái độ tiêu cực, hèn nhát của nhà Nguyễn rồi chiêu tập, lãnh đạo binh sĩ kiên quyết đánh Pháp.
Trong suốt 10 năm (1885-1895), nghĩa quân Phan Đình Phùng hoạt động mạnh mẽ, lập nên những chiến thắng vang dội, làm giặc thất điên bát đảo, vất vả lắm mới bình định được.
Nguyễn Lương Bằng (1904-1979): Nhà cách mạng lão thành, quê Hải Dương. Nồng nàn yêu nước, trải qua nửa thế kỷ hoạt động cách mạng (1925-1979), ông đã cống hiến cả đời mình cho dân tộc. Ông từng giữ nhiều chức vụ chính trị, ngoại giao quan trọng và làm tới Phó Chủ tịch nước Việt Nam.
Trần Phú (1904-1931): Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, quê Hà Tĩnh. Năm 1922, tốt nghiệp thành chung, dạy học ở Vinh, tham gia lập hội Phục Việt.
Năm 1927, ông được cử sang học tại trường Đại học Phương Đông ở Moskva (Nga) và làm bí thư chi bộ trường. Tháng 10/1930, tại Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Đảng họp ở Hồng Kông, được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương (bao gồm cả Đảng Cộng sản Việt Nam). Do hoạt động cách mạng sâu rộng và vai trò quan trọng, ông bị giặc Pháp săn lùng ráo riết, bị bắt ngày 19/4/1931 và mất trong ngục ngày 6/9 năm đó.
Tuổi Bính Thìn
Lê Văn Linh (1376-1447): Khai quốc công thần nhà Lê, quê Thanh Hóa. Sát cánh cùng Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc Minh rồi tận tụy phò tá 3 thế hệ vua Lê, ông làm đến chức Thiếu phó, trở thành trụ cột của vương triều này và là người dày công trong sự nghiệp giữ nước, mở nước, an dân. Ông được đặc biệt nể trọng bởi khí phách quân tử và tính cương trực.
Đồng Tồn Trạch (1616-1692): Danh thần đời Lê Chân Tông, quê Hải Dương. Đa tài và nghị lực, ông đỗ đầu tiến sĩ năm 1646, giữ nhiều cương vị trong các bộ rồi thăng tới Tham tụng (tương đương Tể tướng).
Thái Văn Lung (1916-1946): Luật sư, chiến sĩ cách mạng, quê Gia Định (TPHCM). Tầm nhìn xa rộng, nồng nàn yêu nước và trung nghĩa. Học đại học luật và khoa học chính trị tại Pháp, tốt nghiệp hạng ưu, ông trở về Việt Nam tích cực hoạt động cách mạng.
Đầu năm 1946, làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Thủ Đức. Bị giặc bắt, dụ dỗ rồi tra tấn dã man nhưng vẫn không hề lay chuyển, giữ vững khí tiết. Ông hy sinh trong tù khi mới 30 tuổi.
Xuân Diệu (1916-1985): Nhà thơ danh tiếng, quê Hà Tĩnh. Học qua nhiều trường, say mê văn chương từ bé, làm thơ viết văn đăng trên các báo ở Hà Nội. Tham gia cách mạng, ông trải qua những chức vị quan trọng. Sự nghiệp văn thơ rất đồ sộ với hàng nghìn bài thơ, truyện ngắn, bút ký, tiểu luận... Ông được coi là nhà thơ tình yêu xuất sắc nhất trong nền thi ca hiện đại Việt Nam.
Tuổi Mậu Thìn
Dương Như Châu (1448-1502): Văn thần đời Lê Thánh Tông, quê Bắc Ninh. Nổi tiếng thông minh, mới 18 tuổi ông đã đỗ hoàng giáp, làm quan tới chức Tri chỉ cáo. Tài đức vẹn toàn, lại giỏi việc chính trị, ngoại giao, ông được triều đình trọng dụng và sĩ phu yêu mến.
Nguyễn Thế Lịch (1748-1817): Danh sĩ, đại y sư thời Lê và Tây Sơn, quê Hà Nội. Mẫn cảm, thương người, am hiểu y thuật, năm 1775 đỗ tiến sĩ, làm đến Giám sát Ngự sử.
Ông cũng để lại nhiều tác phẩm y học giá trị: Lý âm phương pháp thông tục (về sản phụ khoa), Hộ nhi phương pháp tổng cuộc (về nhi khoa), Liễu dịch phương pháp toàn tập (về bệnh truyền nhiễm)…
Nguyễn Huỳnh Đức (1748-1819): Danh tướng đời Gia Long, quê Long An. Từ nhỏ đã có sức khoẻ hơn người, ông sớm gia nhập quân đội và phò giúp nhà Nguyễn dựng nghiệp. Là võ tướng xuất sắc, chỉ huy thành công nhiều trận đánh lớn, đồng thời được giao giữ những chức vụ chủ chốt, từng cai quản toàn bộ miền Bắc (1810-1816) và toàn bộ miền Nam (1816-1819).
Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925): Danh sĩ, chí sĩ yêu nước, quê Hà Nội. Học giỏi, chí lớn, 17 tuổi đỗ cử nhân, 24 tuổi đỗ hoàng giáp nhưng lại lui về ẩn dật, triều đình mời mãi mới ra làm quan chức sư phạm.
Năm 1907, ông từ quan, sang Nhật hưởng ứng phong trào Đông du, từ đó sát cánh với Phan Bội Châu lo việc cứu nước. Chẳng những là một nhà ái quốc nhiệt tình, khí tiết, ông còn là một nhà văn lớn với nhiều công trình giá trị về văn xuôi, ngôn ngữ học và hơn 600 bài thơ.
Tuổi Canh Thìn
Mạc Đĩnh Chi (1280-1350): Danh sĩ thời Trần, quê Hải Dương. Cực kỳ thông minh, chí khí lớn, ứng đối giỏi. Thể hiện khả năng đối ngoại xuất sắc và linh động qua 2 lần đi sứ Trung Quốc, được các danh sĩ nước ngoài hết sức khâm phục. Người đương thời coi ông là gương mẫu về tài năng và tính liêm khiết.
Phạm Phú Thứ (1820-1883): Danh sĩ, đại thần triều Nguyễn, quê Quảng Nam. Năm 1863, làm Phó sứ sang Pháp thương thuyết rồi đi thăm nhiều nước châu Âu (Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha...). Là nhà khoa học xuất sắc, ông được coi là người đặt nền móng cho các ngành khoa học tự nhiên và khoa học ứng dụng Việt Nam.
Trương Định (1820-1864): Anh hùng chống Pháp, quê Quảng Ngãi. Dòng dõi quan võ, do có công chiêu mộ dân nghèo khai hoang lập ấp nên được nhà Nguyễn phong chức Quản cơ, hàm Lục phẩm. Năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định, ông đem quân chặn giặc, thắng nhiều trận lớn.
Sau khi ký hòa ước với Pháp (1862), triều Nguyễn buộc ông bãi binh nhưng ông cưỡng lệnh, tự tuyển lính kháng Pháp, xưng là Bình Tây Đại Nguyên soái. Được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, nghĩa quân tung hoành khắp Nam Bộ.
Qua nhiều lần dụ hàng và đàn áp không nổi, sáng 19/08/1864 giặc mở cuộc bao vây, tấn công rất quy mô. Chiến đấu đến cùng, bị bắn gãy xương sống, Trương Định rút gươm tự sát chứ không để địch bắt. Ông trở thành biểu tượng vĩ đại của lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm và khí tiết nam nhi.
Nguyễn Văn Trỗi (1940-1964): Anh hùng chống Mỹ, quê Quảng Nam. Làm thợ điện nhưng sớm giác ngộ cách mạng, tham gia tổ chức biệt động vũ trang thuộc Đại đội Quyết tử 65.
Ngày 9/5/1964, anh bị bắt lúc đang gài mìn tại cầu Công Lý để tiêu diệt phái đoàn quân sự cấp cao của giặc Mỹ do Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu. Không lung lạc được ý chí, chính quyền Sài Gòn đem anh ra xử bắn ngày 15/10/1964. Tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm và cái chết bi hùng của anh gây xúc động mạnh mẽ cho nhân dân Việt Nam và thế giới bây giờ.
Tuổi Nhâm Thìn
Lý Trường (1052-1096): Quốc sư thời Lý, quê Bắc Ninh. Uyên bác và đạo hạnh, mới 20 tuổi ông đã được chọn vào cung dạy hoàng tử. Ít lâu sau đi tu rồi trở thành người đứng đầu dòng thiền Quan Bích.
Vua Nhân Tông rất trọng đãi, phong ông làm Nhập nội Đạo tràng, tôn xưng Trưởng lão, thường cùng đàm đạo việc đại sự và xin ý kiến cố vấn của ông. Lý Trường còn là một nhà thơ tài hoa với bút pháp độc đáo, ý tưởng sâu sắc mà thanh nhã.
Vũ Dương (1472-1519): Danh thần đời Lê Thánh Tông, quê Hải Dương. Năm 21 tuổi ông đậu trạng nguyên, từ thi Hương đến thi Đình đều đỗ đầu, làm quan tới Thượng thư Bộ Công, từng đi sứ Trung Quốc nhiều lần.
Bùi Dị (1832-1895): Danh sĩ đời Tự Đức, quê Hà Nam. Đậu phó bảng năm 1865 (sau được Thành Thái đặc xét đỗ tiến sĩ), ông làm tới chức Thượng thư, hàm Hiệp biện Đại học sĩ và khi về hưu rồi vẫn còn được mời ra làm thầy dạy vua!
Năm 1882, quân Pháp chiếm thành Hà Nội, ông dâng sớ xin quyết chiến và làm Phó Kinh lược sứ Bắc Kỳ, chỉ huy nhiều trận đánh lớn. Nổi tiếng văn chương, ông để lại 6 bộ tác phẩm đồ sộ cùng hàng trăm bài thơ.
Nguyễn Quang Bích (1832-1890): Chí sĩ cận đại, quê Thái Bình. Học giỏi, văn hay, năm 1861 ông thi đỗ và làm quan triều Nguyễn. Chủ trương chống Pháp triệt để, dốc sức hưởng ứng phong trào Cần vương của vua Hàm Nghi (1885), trở thành lãnh tụ kháng chiến Bắc Kỳ, được phong làm Thượng thư Bộ Lễ kiêm Tổng chỉ huy quân đội miền Bắc. Ông để lại hình ảnh đẹp về một vị quan rất mực thương dân, một nhà yêu nước bất khuất, một thi sĩ tài hoa và kiêu hùng.