Tiêu điểm: Nhân Humanity

Uống rượu bia nhưng nồng độ cồn bằng 0 có bị CSGT xử phạt?

VOH - Trường hợp người tham gia giao thông đã uống rượu bia nhưng máy đo không phát hiện nồng độ cồn thì CSGT sẽ xử lý như thế nào?

Nồng độ cồn bằng 0 vẫn luôn là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi. Tuy nhiên mới đây, sự việc một nữ tài xế ở Hà Nội thừa nhận đã uống rượu bia trước khi lái xe nhưng thổi không lên nồng độ cồn đã thu hút được nhiều sự chú ý.

Tối 12/3, Tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT, Công an Hà Nội) ra hiệu lệnh dừng xe ô tô do một nữ tài xế điều khiển, trên xe chở theo chồng chị này.

Khi mở cửa xe, tổ công tác phát hiện trong ô tô nồng nặc mùi rượu.

Người phụ nữ thừa nhận hai vợ chồng đã sử dụng rượu bia vào chiều cùng ngày. Tuy nhiên, khi kiểm tra máy đo lại không phát hiện nồng độ cồn nên người này không vi phạm.

Thiếu tá Lê Văn Đông, tổ trưởng tổ công tác cho biết: “Tùy theo cơ địa của từng người khác nhau, mà nồng độ cồn trong cơ thể của họ sẽ bị đào thải nhanh hoặc chậm. Đối với trường hợp này, khi máy đo nồng độ cồn không cho kết quả, thì nữ tài xế sẽ không vi phạm.”

nong-do-con-bang-0-ĐS
Đội CSGT - Trật tự Công an TP Thủ Đức (khu vực 2) kiểm tra nồng độ cồn người đi đường - Ảnh: NLD

Luật sư Nguyễn Thị Thúy, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, cho biết nguyên tắc xử phạt vi phạm nồng độ cồn là CSGT phải kiểm tra bằng máy đo. Nếu máy phát hiện có nồng độ cồn lớn hơn 0 thì đây sẽ là căn cứ để xác định mức độ vi phạm và lập biên bản vi phạm.

Nếu máy không phát hiện nồng độ cồn, cho kết quả bằng 0 thì không có căn cứ để kết luận tài xế vi phạm nồng độ cồn, dù cho họ thừa nhận đã uống rượu bia. Cho nên, việc không xử phạt nữ tài xế ở Hà Nội nói trên là hợp lý.

Luật sư Nguyễn Thị Thúy nhấn mạnh rằng, căn cứ để xử phạt là kết quả trích xuất từ máy đo, tức là thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đã được kiểm định theo quy định pháp luật, chứ không thể dựa vào lời khai của tài xế.

Bình luận