Ẩn mình trong những cánh đồng xanh mát của xã Phước Hiệp, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận có một ngôi làng nhỏ sở hữu một bí mật quý giá. Việt Nam kỳ thú sẽ đưa bạn đến nơi đã cho ra đời những tấm vải thổ cẩm tuyệt đẹp, chiêm ngưỡng nghệ thuật dệt vải tinh xảo của người Chăm: Làng dệt vải Chăm Mỹ Nghiệp.
Chạm vào lịch sử qua từng sợi vải
Khi bước chân vào làng Chăm Mỹ Nghiệp, bạn sẽ thấy trong từng ngôi nhà, từng xưởng dệt, những nghệ nhân tài hoa của làng tiếp nối truyền thống dệt vải lâu đời, đồng thời mang đến những sáng tạo hiện đại đầy ấn tượng tạo nên dấu ấn riêng biệt cho làng nghề. Nghề dệt vải của người Chăm ở Mỹ Nghiệp đã có một lịch sử lâu dài và phát triển mạnh mẽ từ rất sớm, đạt đến trình độ tinh xảo không thua kém bất kỳ nền văn hóa thủ công nào.
Theo nhiều nguồn sử liệu, người Chăm ở đây coi Po Ina Nagar – nữ thần vĩ đại là tổ nghề, người đã truyền dạy cho họ nghệ thuật dệt vải. Thần Po Ina Nagar còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như Muk Juk (hay còn gọi là Bà Đen trong văn hóa Việt Nam) nhưng người Chăm quen gọi nàng là Patao Kumay (vị vua của phụ nữ) hoặc Stri Ratjnhi (chúa tể của nữ giới).

Truyền thuyết kể lại rằng, khi loài người mới xuất hiện trên trái đất, Po Ina Nagar đã xuống trần gian, sống cùng người Chăm và dạy họ nhiều kỹ năng quý giá, từ trồng lúa, cây cối cho đến nghề dệt vải. Thần còn hướng dẫn người Chăm cách tổ chức đất nước, xây dựng nền hành chính vững mạnh tạo ra những đền tháp trang nghiêm để thờ phụng các vị thần, giúp phát triển nền văn hóa, xã hội của người Chăm.
Nghề dệt vải ở làng Mỹ Nghiệp đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác qua phong tục "mẹ truyền con nối” trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người Chăm. Xưa kia việc dệt vải không chỉ là một kỹ năng mà được xem là thước đo sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ. Đây cũng chính là tiêu chuẩn để đánh giá vẻ đẹp toàn diện của một người phụ nữ Chăm – đẹp hình thức và đẹp về phẩm hạnh.

Nghệ thuật dệt vải: Sự kết hợp giữa thiên nhiên và bàn tay con người
Nghệ thuật dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, qua hàng thế kỷ truyền nối đã phản ánh sự sáng tạo và độc đáo tinh xảo trong bản sắc văn hóa của người Chăm. Những hoa văn trên thổ cẩm với hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp như hoa, lá, cây cỏ và động vật cũng như những biểu tượng tâm linh, thần thánh, linh thú và nguyên tố tự nhiên đều mang đậm dấu ấn văn hóa và tín ngưỡng của người Chăm. Mỗi họa tiết đều ẩn chứa những câu chuyện sâu sắc về niềm tin và truyền thống của dân tộc.
Theo các nghệ nhân, hoa văn thổ cẩm được dệt đối xứng hoàn hảo tạo nên sự cân đối và hài hòa trong từng sản phẩm. Với hơn 30 loại hoa văn đặc trưng, các họa tiết được phân chia thành các nhóm: thực vật, động vật, đồ vật và những biểu tượng đặc sắc khác.

Hoa văn thực vật thường xuyên xuất hiện trên thổ cẩm là hình quả trám, dây leo, đậu ván hay hạt lúa nổ, những hình ảnh quen thuộc gắn liền với cuộc sống nông nghiệp và thiên nhiên của người Chăm.
Đặc biệt hoa văn động vật cũng góp mặt với các hình ảnh như người, hạt cườm bồ câu, mai rùa và thằn lằn – tượng trưng cho sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên. Những họa tiết như tháp, nắp hộp, răng cưa hay móc neo lại mang đậm dấu ấn vật chất trong đời sống vật dụng hàng ngày của người Chăm.
Thổ cẩm Mỹ Nghiệp còn có những hoa văn mang tính tâm linh, cổ xưa và phức tạp. Những hình ảnh như thần Shiva cưỡi chim Trĩ, hình Rồng hay con Trăn là những biểu tượng tôn vinh đức tin và tín ngưỡng của người Chăm.

Điều làm nên sự đặc biệt của thổ cẩm Mỹ Nghiệp chính là nguyên liệu thiên nhiên hoàn toàn nguyên sơ. Những sợi thổ cẩm mềm mại, bền bỉ và thoáng mát được làm từ bông, dâu tằm và các loại cây cỏ đặc trưng. Mỗi công đoạn từ hái bông, tách hạt, kéo sợi đến nhuộm màu đều được thực hiện bằng tay, đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu. Dù ngày nay, việc trồng bông không còn phổ biến nhưng người thợ dệt thổ cẩm vẫn giữ vững tinh thần thủ công qua các bước nhuộm và tạo ra sợi, giữ trọn vẹn giá trị truyền thống.

Tùy thuộc vào công dụng và nhu cầu, mỗi loại vải sẽ có hoa văn và quy cách riêng biệt. Người thợ lành nghề sử dụng hai loại khung gỗ đặc biệt: khung dài dành cho vải khổ hẹp và khung ngồi với đai vòng qua lưng dùng để dệt vải khổ rộng. Mỗi tấm vải được hoàn thành trong hai đến ba ngày với độ phức tạp của hoa văn và sự tập trung tỉ mỉ đến từng đường dệt. Đặc biệt để tạo ra những họa tiết tinh xảo, việc phối hợp nhịp nhàng giữa hai người dệt là điều không thể thiếu, bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể làm lệch cả bức tranh vải.

Điều thú vị nhất trong nghệ thuật dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp là việc nhuộm màu hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng bất kỳ phẩm màu nhân tạo nào. Mỗi màu sắc trên thổ cẩm như đỏ rực, vàng tươi, xanh lá đến nâu, chàm đều được chiết xuất từ cây cỏ và thực vật bản địa. Màu đỏ từ cây "phun pan", màu vàng từ củ nghệ, màu nâu từ "phun jieng" hay màu chàm từ cây "chậm" (maow) đều giúp sản phẩm có sắc màu sống động và gần gũi với thiên nhiên.
Với sự kết hợp tuyệt vời giữa nghệ thuật dệt, màu sắc và biểu tượng văn hóa, mỗi tấm thổ cẩm Mỹ Nghiệp như tác phẩm thủ công tinh xảo, góp phần quan trọng trong kho tàng văn hóa đặc sắc của người Chăm mang lại sự hòa quyện giữa truyền thống và tâm linh.
Kết nối văn hóa và du lịch
Làng dệt vải Chăm Mỹ Nghiệp trở thành điểm đến lý tưởng cho những tín đồ yêu thích nghệ thuật thủ công, một địa chỉ hấp dẫn đối với những ai muốn khám phá văn hóa Chăm đặc sắc. Tại đây du khách được tận mắt chiêm ngưỡng những sản phẩm vải thổ cẩm tinh xảo hoặc có thể được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm quy trình dệt, nhuộm màu cũng như nghe những câu chuyện văn hóa sâu sắc được kể qua từng tấm vải.

Nghề dệt vải tại Mỹ Nghiệp đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách trong nước, gây ấn tượng mạnh với khách quốc tế, góp phần đưa văn hóa Chăm đến gần hơn với thế giới.
Làng dệt vải Chăm Mỹ Nghiệp không chỉ tạo ra những tấm vải đẹp mắt mà đã trở thành một không gian sống động, nơi những câu chuyện về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của người Chăm được thêu dệt tỉ mỉ qua từng sợi chỉ.

Mỗi tấm vải chứa đựng hồn cốt của nền văn hóa Việt Nam – sống động, đậm đà và đầy ý nghĩa. Hãy đến và cảm nhận để bạn có thể thấy rõ sự giao thoa giữa truyền thống và sự sáng tạo, nơi mỗi tấm vải kể một câu chuyện độc đáo về dân tộc Chăm.