Trong số những con khỉ chết có ba cá thể thuộc loài cực kỳ nguy cấp, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch bệnh hoặc nhiễm độc trong môi trường nuôi nhốt.
Theo Sở Dịch vụ Giải trí và Văn hóa Hong Kong (Trung Quốc), tám con khỉ đầu tiên được phát hiện tử vong vào ngày 13/10. Một con khác chết vào ngày 14/10.
Các quan chức ngay lập tức phong tỏa khu vực động vật có vú để vệ sinh và khử trùng, đồng thời bắt đầu tiến hành xét nghiệm độc chất và khám nghiệm tử thi nhằm tìm ra nguyên nhân cái chết hàng loạt này.
Trưởng đặc khu Hong Kong (Trung Quốc), ông John Lee, đã đưa ra tuyên bố khẩn cấp trong cuộc họp báo ngày 15/10: "Trước tiên, chúng ta phải ngăn chặn sự lây lan và điều tra xem nguyên nhân tử vong có phải do nhiễm trùng hay độc chất gây ra."
Vụ việc xảy ra tại vườn thú lâu đời nhất của Hong Kong (Trung Quốc), nằm ở quận Mid-Levels giàu có, được thành lập từ năm 1871 và là nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm. Cái chết của những con khỉ, đặc biệt là loài khỉ đầu bông thuộc danh sách cực kỳ nguy cấp, đã gây sốc cho giới bảo tồn và công chúng.
Giáo sư Siddharth Sridhar từ Đại học Hong Kong (Trung Quốc) nhận định đây là một vụ tử vong bất thường trong môi trường nuôi nhốt. Ông cũng cho rằng cuộc điều tra có thể tập trung vào khả năng khỉ bị nhiễm trùng hoặc bị đầu độc bởi một tác nhân chưa xác định.
Vườn thú đã theo dõi tất cả các loài động vật kể từ ngày 13/10, và một cuộc họp khẩn cấp giữa các phòng ban đã được tổ chức để tìm giải pháp. Các nhân viên đã phát hiện thêm hai con khỉ có biểu hiện lạ và thèm ăn bất thường. Một trong số đó đã chết vào sáng 14/10, trong khi con còn lại đang được theo dõi chặt chẽ.
Sự kiện này đã khiến cộng đồng quốc tế và giới bảo tồn chú ý, bởi trong số những con khỉ tử vong có ba con khỉ đầu bông, một loài được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xếp vào danh sách cực kỳ nguy cấp. Những loài khỉ khác cũng gặp nạn gồm khỉ mặt trắng, khỉ De Brazza, và khỉ sóc thông thường.
Vụ việc đang được điều tra sâu rộng và vườn thú đã đóng cửa khu vực bị ảnh hưởng để bảo vệ các loài động vật còn lại, đồng thời đảm bảo an toàn cho các loài quý hiếm khác.