Tiêu điểm: Nhân Humanity

Việt Nam phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc 2020

(VOH) - Sáng 16/5, tại TP.Cần Thơ, hơn 150 doanh nghiệp du lịch 3 miền Bắc - Trung - Nam đã tham dự phát động và công bố Chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc 2020 giai đoạn 2.

Chương trình do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Du lịch TPHCM thực hiện.

Tại đây, lãnh lãnh đạo Hiệp hội du lịch nhấn mạnh: tất cả các doanh nghiệp du lịch sẽ chung tay với nhau khắc phục hiệu quả, đẩy nhanh sự hồi phục của ngành du lịch, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.  

Việt Nam phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc 2020

Các đại biểu bấm nút phát động Chương trình kích cầu du lịch toàn quốc 2020.

Chương trình kích cầu du lịch lần này đặt ra mục tiêu cơ bản là khôi phục nhanh hoạt động du lịch nội địa trên toàn quốc, chuẩn bị sẵn sàng khôi phục hoạt động du lịch quốc tế khi Chính phủ cho phép. Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Chương trình kích cầu được triển khai trong 2 giai đoạn: Giai đoạn khôi phục được triển khai trong 2 tháng (từ 15/5/2020 -15/7/2020); giai đoạn 2 từ 15/7/2020 đến hết năm 2020 - toàn bộ hoạt động du lịch sẽ được khôi phục.

Về nhiệm vụ và phạm vi trong mỗi giai đoạn, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh: "Khu vực đầu tiên là Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng trũng về du lịch của cả nước, dù rất giàu tiềm năng về du lịch nhưng chưa phát triển như mong muốn. Chương trình kích cầu sẽ đóng góp một phần sức lực của mình vào để thúc đẩy nhiều hơn nữa, mạnh hơn nữa phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, giúp nơi đây trở thành trung tâm du lịch của cả nước. Tiếp đó, sẽ phát triển lần lượt khu vực Đông Nam bộ mà trung tâm là TPHCM, vùng Nam Trung bộ và Tây nguyên, Bắc và Trung Trung bộ, khu vực Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh ven biển phía Bắc. Cuối cùng 2 khu vực Đông Bắc và Tây Bắc cũng sẽ được triển khai".

Nguyên tắc của Chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc 2020 cũng được Hiệp hội Du lịch Việt Nam xác định với 3 yếu tố: đảm bảo an toàn cho du khách; giảm giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ và giữ giá nhưng tăng thêm dịch vụ cho du khách. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kêu gọi ngành du lịch các địa phương chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch kích cầu mới lạ, độc đáo, các dịch vụ có giá thấp, triển khai đa dạng các chương trình khuyến mại các dịch vụ du lịch phục vụ du khách.

Về những việc cần chuẩn bị để kích cầu du khách sau dịch Covid-19, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở VHTT&DL Cần Thơ cho hay: "Triển khai gói kích cầu du lịch nội địa, song song đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các điểm vườn du lịch trong việc nâng cao năng lực, chuẩn bị các sản phẩm mới sau dịch, nâng cao kiến thức phòng chống dịch cho du khách, hướng dẫn phát triển du lịch sinh thái ở một số tuyến điểm, giới thiệu điểm đến du lịch Cần Thơ với một số thị trường trọng điểm ở khu vực Đông Nam bộ, TPHCM, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc".

Việt Nam phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc 2020

Các đại biểu đi qua cầu cây khỉ khảo sát điểm đến Khu du lịch Cồn Sơn ở TP.Cần Thơ.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định, chủ trương là vẫn kêu gọi các doanh nghiệp hưởng ứng chương trình kích cầu, tuy nhiên, tùy theo tình hình và năng lực của mỗi doanh nghiệp sẽ đưa ra mức độ hỗ trợ hợp lý nhằm thu hút du khách để từ đó cùng thúc đẩy ngành du lịch phát triển: "Giai đoạn đầu là chuyển từ trạng thái đứng yên sang hoạt động cho nên thường có độ trễ. Nghĩa là những công ty ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19 họ sẽ đi sớm, còn những công ty bị ảnh hưởng sâu cần phải có thời gian tái cơ cấu lại doanh nghiệp, ổn định kinh doanh mới đi du lịch. Hiện nay, các tour đi du lịch nước ngoài chưa thực hiện được nên phần lớn họ chuyển sang đi du lịch nội địa. Do vậy, du lịch Bình Định cũng như một số tỉnh có thế mạnh về du lịch biển sẽ đông khách trở lại".

Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TPHCM, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có thể mạnh về du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, do đó, việc quảng bá xúc tiến điểm đến với du khách trong nước cần được chú trọng hơn. Bên cạnh đó, để chương trình kích cầu phát huy hiệu quả, ngành du lịch các địa phương cần có những chính sách ưu đãi hợp lý, thỏa đáng để hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành đưa khách về với vùng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có thỏa thuận cụ thể về những chính sách cam kết.

Sau lễ phát động, hơn 150 doanh nghiệp lữ hành đi khảo sát các sản phẩm dịch vụ du lịch an toàn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang. Ngày 19/5, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tổ chức tọa đàm tại Phú Quốc để đánh giá khả năng triển khai Chương trình kích cầu du lịch cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bình luận