Đăng nhập

Xúc tiến tiềm năng du lịch tỉnh Thái Nguyên trên thế mạnh từ cây chè

00:00
03:14
03:14
VOH - Thái Nguyên có các danh thắng nổi tiếng như Hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè, hang Phượng Hoàng - Suối Mỏ Gà, và còn là tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước với hơn 22 ngàn hecta.

Tại Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 diễn ra tại TPHCM sáng 5/4, các chuyên gia nhìn nhận, việc ký kết hợp tác đầu tư phát triển kinh tế và du lịch giữa TPHCM và Thái Nguyên sẽ mở ra cơ hội cho hai bên đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương và du lịch. 

Thái Nguyên là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời với tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú. Trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích, 57 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh; gần 300 làng nghề, trên 200 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao, đây là nguồn tài nguyên giá trị để tỉnh Thái Nguyên phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa Trà; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, riêng dòng tour tâm linh lịch sử, có chương trình 1 ngày: Khu di tích quốc gia đặc biệt ABK Định Hóa-Thái Nguyên, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào-Tuyên Quang. Chương trình 2 ngày, gồm: điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương, Khu du lịch hồ Núi Cốc, Khu di tích quốc gia đặc biệt ANKT Định Hóa-Thái Nguyên, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Tràm Vinh Quang...

Xúc tiến tiềm năng du lịch tỉnh Thái Nguyên trên thế mạnh từ cây chè 1Xem toàn màn hình
Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 - Ảnh: Lệ Loan

Với những danh thắng nổi tiếng như Hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè, hang Phượng Hoàng - Suối Mỏ Gà, những dòng suối, thác nước, bãi đá hoang sơ nơi sườn đông Tam Đảo, những đồi chè xanh ngát thơ mộng. Thái Nguyên còn là tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước với hơn 22 ngàn hecta. Tổng thu từ cây chè năm 2023 ước tính lên đến gần 13 ngàn tỷ đồng. Cây chè và sản phẩm trà gắn bó với đất và người Thái Nguyên từ lâu đời.

Tại các vùng chè nổi tiếng, nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất chè đã đầu tư phát triển dịch vụ lưu trú, ăn uống, chăm sóc những nương chè đẹp, xây dựng khu vực chế biến, trưng bày giới thiệu và bán các sản phẩm trà cũng như không gian thưởng trà rộng rãi phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Bà Phạm Thị Tú Uyên, Giám đốc sản phẩm và dịch vụ Công ty du lịch Vietravel đề xuất thêm: "Chúng ta phải làm sâu vào thiết kế các trải nghiệm cho du khách. Chúng ta không chỉ nhìn và checkin những đồi chè, mà cần thiết kế thêm quy trình để làm nên tinh dầu chè. Sản phẩm chè không chỉ có lợi cho sức khỏe, mà còn có thể làm đẹp.... Làm thế thì chúng ta gia tăng thêm trải nghiệm cho khách hàng…".

Tỉnh Thái Nguyên còn là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với trên 200 dự án FDI, tổng vốn đầu tư lên đến gần 11 tỷ đô la Mỹ.  Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục trong nhiều năm, đến năm 2023, quy mô GRDP của tỉnh đạt trên 152.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc và nằm trong 14 tỉnh cao nhất cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Thái Nguyên có quỹ đất phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ khá lớn; dân số tăng trưởng nhanh; hạ tầng giao thông thuận lợi… Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao du lịch tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Năm ngoái, thu ngân sách của tỉnh Thái Nguyên đạt hơn 20.000 tỷ đồng, lần đầu tiên trở thành một trong 18 địa phương có khả năng tự cân đối về thu chi".

Bình luận