Với lợi thế là sự tương tác kết nối, suốt thời gian qua, VOH không chỉ làm công tác tuyên truyền đơn thuần mà còn là kênh định hướng mang chức năng giáo dục, trang bị cho người trẻ nhận thức, kỹ năng ứng phó với cuộc sống.
"... Ngày xửa ngày xưa, xưa thiệt là xưa, trong một khu rừng nọ, có một con dê trắng và một con dê đen..."
Giọng kể này là người bầu bạn, là người giữ trẻ, người bà thân thiết của nhiều gia đình có trẻ nhỏ từ suốt những năm 1980 đến đầu những năm 2000. Đến giờ "Bà Tám kể chuyện đời xưa", nhiều gia đình lại bật đài, các bé nhỏ ngồi quây quần lắng nghe từng lời của Bà Tám phát ra từ chiếc máy radio thân thuộc.
Cô Lê Ngọc Hiến, người thủ vai nhân vật Bà Tám cho biết, chương trình "Bà Tám kể chuyện đời xưa" ra đời từ một lá thư của bạn nghe đài lớn tuổi ở một vùng quê miền Tây Nam bộ. Ông có đứa cháu nội vốn rất thích nghe chuyện cổ tích, nhưng lại vấp phải những khó khăn về nguồn tư liệu, nên mong muốn đài có một chương trình kể chuyện cho thiếu nhi.
Từ đó, Bà Tám "ra đời" không chỉ kể cho các bạn thiếu nhi nghe những câu chuyện cổ tích, đúc kết những bài học về ứng xử gia đình, kỹ năng xã hội mà còn xây dựng cho các em một nhân sinh quan tích cực, tốt đẹp.
"Bà Tám" Lê Ngọc Hiến không nhớ hết đã nhận được bao nhiêu lá thư của thiếu nhi từ khắp các tỉnh thành miền Nam gửi về. Trong thư có cả lá trầu, miếng cau đong đầy tình cảm của các bé gửi về cho Bà Tám. Tuy nhiên, cũng không ít những câu chuyện gia đình, tâm sự, khó khăn mà các em vấp phải trong quá trình khôn lớn nên người.
"Tin tưởng Bà Tám đến nỗi, thư về Đài có cả chuyện cha mẹ gây gỗ nhau, anh em cư xử không công bằng, cha uống rượu về đánh mẹ... Đứa trẻ buồn, muốn bỏ nhà đi, thậm chí muốn tự huỷ hoại bản thân. Những lá thư này mình phải tức tốc trả lời liền, để động viên tinh thần, hướng dẫn cho trẻ cách ứng xử tốt nhất, khuyên lơn để trẻ vững tâm đồng thời báo cho cha mẹ trẻ biết tình hình và có định hướng cho họ, hợp tác ngăn những việc không tốt xảy ra cho trẻ. Đài đã giúp cho cộng đồng rất nhiều qua chương trình này.", "Bà Tám" - Lê Ngọc Hiến chia sẻ.
Cùng với nhà trường, gia đình, các chương trình của Đài góp phần xây dựng nên môi trường giáo dục xã hội lành mạnh cho thế hệ trẻ. Những chương trình Kỹ năng vào đời, Thanh niên 4.0, Thanh niên ngày mới... một mặt nung nấu nhiệt huyết tuổi trẻ, một mặt luôn "đồng hành" với việc trang bị kỹ năng cho người trẻ.
Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt, Quận 8, tác giả Dự án "Chuyến xe trải nghiệm" cho học sinh TPHCM cho rằng các chuyên mục của Đài đã nắm bắt thông tin, hỗ trợ can thiệp, tư vấn kịp thời cho các bạn trẻ. Với đặc thù phát thanh, thông qua kênh của Đài, các bạn mới mở lòng, dám chia sẻ và qua đó tìm được những giải pháp cho chính bản thân.
"Những chuyên mục, chuyên trang về định hướng kỹ năng và nhất là chương trình “Kỹ năng vào đời” của VOH kịp thời định hướng, trang bị nhiều kỹ năng cho học sinh sinh viên. Nhiều em học sinh sinh viên cũng gặp phải những vấn đề, đôi khi cũng còn thiếu các kỹ năng nhưng còn ngại chia sẻ… Chuyên mục của VOH giúp cho các em gỡ rối, góp phần định hướng cho các em, hỗ trợ và trang bị kịp thời một số những kỹ năng để các em có kiến thức và cách xử lý vấn đề.", Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh nói.
Cùng với sự phổ biến của các trang mạng xã hội, một số chương trình của Đài cũng đã chuyển hướng tiếp cận trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, với hàng triệu lượt chia sẻ. Đối tượng trang bị kỹ năng cũng mở rộng từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ bác xe ôm đến các bậc phụ huynh có con nhỏ.
Đặc biệt, các clip kỹ năng tự vệ của VOH với tính thời sự cao, lại đưa ra những giải pháp hiệu quả trong từng tình huống cụ thể đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình từ mọi tầng lớp người nghe, người xem. Trong đó, các clip võ sư Lê Hoàng Mai hướng dẫn xử lý khi bị cướp điện thoại, bị móc túi, cách thoát thân khi bị siết cổ từ phía sau ... nhanh chóng tạo sự lan toả hữu ích cho cộng đồng.
Phóng viên Hà Thị Lan Hương, Trang tin điện tử, Tiếng nước ngoài và tiếng dân tộc, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM cho biết: "Trong quá trình tác nghiệp đi quay, có người đến hỏi đây có phải nhóm làm clip của VOH và họ đã tham gia vào ngay clip đó. Họ tham gia và thử các động tác võ sư hướng dẫn ngay tại chỗ. Mọi người cảm thấy rất vui và có động lực để VOH làm thêm nhiều clip nữa về các kỹ năng tự vệ hướng dẫn cho các tài xế ô tô, người lái xe ôm hoặc kỹ năng tự vệ cho các bạn nhỏ khi bị bắt nạt ở trường."
Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thuý, Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, Chuyên viên tham vấn tâm lý tại Nhà văn hoá Phụ nữ TPHCM, cho biết bản thân rất yêu thích những chương trình của VOH. Các đối tượng thính giả khác nhau cũng học tập được nhiều điều từ các chương trình của Đài.
Bà Thuý cho rằng đội ngũ biên tập, phóng viên, các khách mời của Đài đã đóng góp cho xã hội những điều rất hữu ích, giúp cho thế hệ trẻ có ứng xử phù hợp hơn, lối sống tốt đẹp hơn, và cả an toàn hơn. Tiến sĩ Phạm Thị Thuý cũng cho rằng với bối cảnh cách mạng số, khi mỗi người đều có smartphone, internet... cách tiếp cận đa phương tiện thông qua facebook, livestream, apps của Đài hiện nay rất phù hợp:
“Tôi cho rằng cách tiếp cận đó là hợp thời, nói vui là bắt kịp trend giới trẻ. Chúng ta phải quảng bá để giới trẻ biết đến các chương trình của Đài nhiều hơn. Nghe đến Đài TNND thì các bạn chỉ nghĩ đến đài thôi trong khi các bạn nghe đài trực tiếp như radio thì không nhiều thế nhưng, các bạn có thể nghe trên app, facebook, kênh youtube...", Tiến sĩ Thuý phân tích.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, Đài TNND TPHCM đã và đang là người bạn đồng hành trong quá trình trưởng thành của bao thế hệ. Tuy mỗi giai đoạn lịch sử có những điều kiện nền tảng phát triển khác nhau nhưng với sự linh hoạt chuyển đổi, sự nhanh nhạy nắm bắt và định hướng phát triển đúng đắn, VOH đang từng giờ, từng ngày... làm người bạn đồng hành trên từng "cung đường cuộc đời" đầy cảm xúc của nhiều đối tượng thính giả.