Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ăn chay ngày Tết

(VOH) - Ăn chay ngày Mùng 1 Tết là một trong mười ngày thập trai của Phật tử. Đặc biệt, ngày đầu năm, những người theo đạo Phật hay tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thường ăn chay để tạo phước và gieo từ tâm ngay đầu năm và cầu nguyện sự an lành cho gia đình cả năm.

Do cả năm bề bộn công việc mưu sinh, nên một số người chỉ ăn chay vào ngày mùng 1 Tết để bù cho cả năm, nhằm cầu phước đức, may mắn cho năm mới. Ảnh minh họa: internet

Theo phong tục tập quán từ xưa, ăn chay trong ngày đầu năm để cầu phước trọn năm, dù là Phật tử hay không. Ăn chay ngày Tết không hẳn là tu hành mà chỉ đơn giản là để được lắng lòng, thanh lọc cơ thể, chay tịnh tinh thần để chiêm nghiệm cuộc đời nhân lúc xuân sang.

Nhắc đến ăn chay, ăn lạc hay ăn tương, người ta thường nghĩ đó là cách ăn của những người theo đạo Phật, không sử dụng nguyên liệu chế biến từ động vật mà chỉ dùng toàn bằng thực vật.

Theo Phật giáo, chủ trương ăn chay giúp con người bớt sát sinh, tạo nghiệp ác để gieo lòng từ bi, hướng thiện. Trong Ngũ giới cấm của nhà Phật có giới cấm sát sinh, do đó, cấm sát sinh và ăn chay có mối quan hệ thống nhất, chặt chẽ với nhau.

Theo các nhà dinh dưỡng học, muốn có một sức khỏe đủ đầy, muốn có đủ năng lực hoạt động trong cuộc sống, chúng ta cần phải lưu tâm đến việc ăn uống điều độ và đầy đủ chất dinh dưỡng. Chúng ta thường được chỉ dẫn cách chế biến cho một thực đơn ăn uống đủ đầy các chất dinh dưỡng, với một chế độ ăn uống thích hợp, gồm chất đạm, chất xơ, chất bột, chất béo, chất ngọt, chất khoáng, chất vôi, chất sắt, nước, và các loại sinh tố,.. trong một ngày, để cơ thể có đủ năng lượng hoạt động và sống khỏe mạnh.

Và theo các báo cáo khoa học, rau cải, ngũ cốc, hoa quả, thực vật,... (những thực phẩm không có nguồn gốc từ động vật) cũng đầy đủ chất dinh dưỡng cho sức khỏe, cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, trong đời sống của con người.

Điển hình, có những người ăn chay vẫn sống khỏe, sống thọ, không khác những người ăn mặn. Ngoài ra, ăn chay còn được xem là có nhiều ích lợi cho sức khỏe hơn, như: dễ tiêu hóa, giảm mỡ thừa và ít gây bệnh tật.

Trên thế giới ngày nay, số người ăn chay vì lý do sức khỏe, theo khuyến khích của giới y sĩ ngày càng nhiều hơn và số người ăn chay vì lý do tín ngưỡng, cũng gia tăng nhiều hơn.

Về mặt y học, nhiều chuyên gia cho rằng, chế độ ăn chay giúp cho cơ thể cân bằng được axít và kiềm. Cơ thể chúng ta khi hoạt động luôn có xu hướng tạo ra axít, do đó, khi cơ thể bị nhiễm axít nặng thì các cơ quan hoạt động trì trệ. Ăn nhiều thịt sẽ chuyển hóa ra nhiều axít, không tốt cho cơ thể. Ngược lại, ăn chay (ăn thực vật) sẽ tạo ra sự kiềm hóa nội mô.

Các nhà khoa học cũng xác định nhiều hệ thống bị "trục trặc" khi dư thừa quá nhiều axit trong cơ thể, trong đó có hệ thần kinh, con người trở nên nóng tính, bốc đồng, không kiềm chế dẫn đến hành vi hung bạo.

Ở Việt Nam, ngay từ ngày đầu năm mới, người ta thường ăn chay bên cạnh việc đi chùa lễ phật, hái lộc đầu năm. Vì vậy, ăn chay ngày Tết mang ý nghĩa tâm linh, là nét văn hóa Tết độc đáo của dân tộc ta, nhất là ở vùng Nam bộ, việc ăn chay ngày Tết là hiện tượng khá phổ biến ở một số gia đình từ nông thôn đến thành thị.

Với những ngày đầu năm, trong gia đình khi ăn món gì, người ta thường cúng ông bà tổ tiên món nấy. Tuy nhiên, cúng chay ngày Tết mang ý nghĩa cầu mong được nhiều phước lành, thanh thản, hướng về điều thiện, phát từ tâm, tạo nhân duyên tốt…

Do cả năm bề bộn công việc mưu sinh, nên một số người chỉ ăn chay vào ngày mùng 1 Tết để bù cho cả năm, nhằm cầu phước đức, may mắn cho năm mới và sám hối những gì đã làm không phải trong năm cũ.

Chuyện ăn uống chay hay mặn trong những ngày đầu năm, ngoài việc để bồi dưỡng sức khỏe, chúng ta cần có một thói quen sinh hoạt lành mạnh, hạn chế rượu bia, ăn uống điều độ và đủ chất dinh dưỡng, đồng thời cần gieo từ tâm ngay đầu năm nhằm cầu mong sự an lành cho bản thân và gia đình suốt cả năm.

Sau đây là gợi ý món chay cho ngày mồng 1 Tết

1. Món “Tài lộc đầy nhà”

Ảnh minh họa: internet

* Nguyên liệu:

- 1 búp xà lách xoăn, 1 củ cà rốt, 1 quả dưa chuột, củ cải, 1 nấm đùi gà, vài bìa đậu khuôn, 1 củ khoai môn, 100g hạt điều đã rang chín.

* Cách chế biến:

- Các loại củ quả gọt vỏ rửa sạch, thái chỉ - Rau xà lách cắt từng miếng nhỏ

- Khoai môn bào mỏng thành hình con chì nhỏ. Rồi thả vào chiên trong chảo nhiều dầu để từng sợi khoai môn vàng ruộm, giòn đều

- Đậu phụ chiên vàng rồi cắt thành sợi

- Nấm đùi gà cũng thái hình con chì nhỏ, xào cho chín.

- Cho xà lách đặt vào giữa đĩa, lần lượt xếp các loại rau củ bên ngoài. Riêng sợi khoai môn để lên trên cùng. Bạn nhớ rắc thêm ít hạt điều đập vụn.

- Khi ăn, bạn nên pha chút nước sốt để trộn cùng gồm dấm, xì dầu, ớt băm nhỏ…

2. Món “Sum họp ngày Tết”

Ảnh minh họa: internet

* Nguyên liệu:

- 270g rong biển, 2 củ tỏi, hạt nêm chay, dầu mè.

* Cách chế biến:

- Rong biển nên ngâm nước lạnh chừng 2 giờ; Tỏi bóc vỏ nghiền thật nhuyễn

- Pha một bát hỗn hợp gồm 5 muỗng dầu mè, tỏi,

- Rong biển sau khi ngâm nước lạnh, luộc trong nồi nước sôi chừng 2 phút

- Vớt rong biển, xả qua nước lạnh để rong biển vẫn giữ được độ giòn

- Cho ít hạt nêm vào rong biên, trộn đều cho tan gia vị

- Thêm nước sốt đã pha và bày ra đĩa.

3. Món “Sắc màu may mắn”

Ảnh minh họa: internet

* Nguyên liệu:

- 100g bí đỏ, 100g bông cải xanh, ½ củ cà rốt, 1 bắp ngô, 1 quả cà chua.

* Cách chế biến:

- Cà chua cắt lát dày 1cm - Bí đỏ cắt miếng vuông nhỏ

- Bông cải xanh tước nhỏ. Bắp ngô cắt khúc dài chừng 5-7cm

- Cho tất cả bắp ngô, bí đỏ, bông cải vào nồi nước vừa đủ dùng đun với lửa nhỏ. Không đậy nắp vung để các rau củ quả giữ được màu sắc

- Nêm ít gia vị chay. Cuối cùng thả lát cà chua vào.

Bình luận