Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cải lương đâu chỉ có trăm năm !

(VOH) - Dự án “Tiếp bước trăm năm”, dự án tìm kiếm cơ hội đào tạo tài năng trẻ và lớp khán giả mới cho cải lương, vừa qua đã đạt những thành công bước đầu ngoài mong đợi.

Một dự án với những lớp nghệ thuật hoàn toàn miễn phí, do những người trẻ thực hiện đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, gieo vào lòng người, nhất là những người yêu nghệ thuật niềm tin vào tấm lòng của những người cùng đam mê.

TPHCM nói riêng và cả nước nói chung có rất nhiều câu lạc bộ đội, nhóm “đờn ca tài tử”. Theo thống kê của một trong những tỉnh được xem là cái nôi của nghệ thuật này là tỉnh Bạc Liêu, trong năm 2018 có trên dưới 300 câu lạc bộ với hơn 2.000 người tham gia.

Tuy nhiên, một dự án truyền dạy cải lương chuyên nghiệp để tìm kiếm tài năng tương lai miễn phí như thế này thì đây là lần đầu tiên. Lớp dạy cho khán giả hiểu và cảm thụ cải lương cũng là lần đầu tiên. Đây là tấm lòng của người trẻ dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Có lẽ vì vậy mà những ai tham gia dự án này đều trân trọng tấm lòng đó và họ cũng đóng góp bằng cách làm hết tâm, hết sức vì đã 100 năm rồi, nhưng hiện tại, cải lương vẫn chưa thật sự bắt nhịp với khán giả trẻ. Thậm chí đời sống của loại hình này đang khá “đìu hiu” vì ngày một thưa dần công chúng. Vậy nếu chỉ ngồi chờ "phép màu" thì e rằng cải lương sẽ ngày càng khó khăn và mất thêm thị phần khán giả, khi các loại hình khác ngày một phong phú và có thế mạnh riêng trong việc tiếp cận người thưởng thức.

Đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng xuất thân từ cái nôi cải lương, sau đó học đạo diễn và góp phần đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ miền Nam cho rằng, cải lương hôm nay muốn phát triển phải đổi mới và nhờ thế hệ tương lai này: “Phải tạo được sự gần gũi với lớp trẻ. Tiếp cận công nghệ mới để cải lương được mới. Tính văn học trong kịch bản phải có, phải gắn liền với cuộc sống hiện đại, nếu chưa làm được thì những người đang làm nghề phải suy nghĩ và phải đi tìm”.

Một cảnh trong vở Thái hậu Dương Vân Nga tại Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018

Một cảnh trong vở Thái hậu Dương Vân Nga tại Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018. Ảnh: SGGP

Với sự tiếp sức của nhiều thầy cô tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Quỹ Văn hóa Hội đồng Anh, dự án “Tiếp bước trăm năm” đang tự tin đi đúng lộ trình mà êkip vạch ra. Đây chỉ là chương trình thể nghiệm làm tiền đề cho nhiều dự án tiếp theo góp phần phát triển hơn nữa lớp nghệ sĩ và khán giả mới trong tương lai. Dù chỉ là một chút, nhỏ thôi nhưng từ câu chuyện này, nhiều bạn trẻ có năng khiếu với âm nhạc cải lương đã được tìm thấy kịp lúc, vì tất cả đều rất trẻ, chưa tới 20 tuổi. 

Đạo diễn Trương Văn Trí - đang giảng dạy kỹ thuật biểu diễn tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM đã đồng hành với lớp học từ những ngày đầu tiên bày tỏ niềm vui và một chút hãnh diện vì các học trò của mình thông minh, chăm chỉ và ham học hỏi. Đạo diễn Trương Văn Trí cho biết, học nghệ thuật là phải thăng hoa chứ không thể nhồi nhét hay ép buộc và thật may mắn vì có lớp học này mình mới có cơ duyên được thử thách với nhiều tài năng trẻ:

"Khi tham gia vào lớp học này, các em như những tờ giấy trắng, điều đó thật sự vừa khó vừa dễ cho chúng tôi. Tôi dạy các em một các dễ hiểu, dễ áp dụng chứ không đi tắt. Diễn là lối diễn riêng của mỗi em chứ không copy bất cứ hình mẫu nào. Làm sao để hòa vào những kiến thức mới, những kỹ thuật biểu diễn theo sự hiện đại mới của thế kỷ 21”.

Trong nhiều buổi tọa đàm cũng như nhiều lớp giảng dạy về âm nhạc cải lương, Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên luôn nhấn mạnh vai trò của đổi mới và tiếp sức cải lương. Thế hệ của bà và nhiều thế hệ trước đó đã sống với nghề và khẳng định những dấu ấn riêng với loại hình này, họ chỉ có thể tiếp tục trao truyền kinh nghiệm, nhưng đi chặng đường còn lại là các bạn trẻ phải đi và nhất định phải ghách vác trọng trách này.

Cải lương phải là những câu chuyện truyền được cảm hứng sống và yêu thương, phải lan tỏa một cách rực rỡ và mạnh mẽ nhất để rồi chúng ta có 200 năm, 300 năm và nhiều hơn nữa những thành tựu rực rỡ của cải lương.

Muốn vậy thì hãy không chỉ người trẻ mà tất cả những ai đang làm nghề và đang giữ vai trò quản lý, nghiên cứu bộ môn nghệ thuật này phải góp thêm tâm sức, trí, lực của mình.

Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên khẳng định: “Nền tảng của cải lương, kịch hát dân tộc là phải hiểu. Lời thoại, văn chương ta đọc còn có thể hiểu lời, nhưng âm nhạc phải có học mới biết. Lớp trẻ nếu không hiểu gì cả thì làm sao thích, đã không thích thì làm sao say mê. Không say mê, không yêu thích làm sao bảo tồn và phát huy được”.

“Tiếp bước trăm năm”, chỉ là một lát cắt nhỏ trên hành trình vì cải lương. Nhưng điều làm chúng tôi cảm phục chính là sự say mê và vượt qua nhiều khó khăn, vượt sự nghi ngờ của người khác về năng lực và khát khao của họ. Họ làm mà mà không kể thời gian, không thù lao, không có sự thúc ép, nhờ vả của ai mà làm vì chính tiếng nói của trái tim.

Chúng tôi tạm biệt lớp học với lời hứa sẽ quay lại dự lễ tốt nghiệp của các bạn trong một niềm phấn khởi khó tỏ. Vậy là sau một phần ba chặng đường đi qua, các học viên của “tiếp bước trăm năm” đang gieo vào lòng của những người thực hiện dự án nhiều niềm vui khó tả, vì những gì họ chọn là đúng. Những gương mặt trẻ trung, căng tràn năng lượng, hát hay và bắt đầu biết phân tích, diễn 1 vai cho tròn trịa.

Dự án sẽ còn tiếp tục, các em sẽ còn phải chinh phục những "đèo dốc" tiếp theo trước khi tốt nghiệp và tỏa sáng. Cám ơn tình yêu của những người trẻ - họ hoàn toàn có thể dành quỹ thời gian rảnh rỗi của mình để làm việc khác nhưng họ đã chọn cải lương và chọn cách ươm mầm cho sân khấu tương lai. Sẽ còn những dự án khác ra đời nhưng từ sự khởi đầu này, sẽ là tiền đề tốt cho nhiều dự án khác, với mong muốn duy nhất là mang lại sức sống mới cho cải lương.

Tiến sĩ Đào Lê Na, Trưởng bộ môn sáng tác phê bình sân khấu và điện ảnh trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ đánh giá lại dự án này để xem như thế nào, sau đó chúng tôi tiếp tục những kế hoạch và tìm kiếm nguồn tài trợ để tiếp tục những dự án khác. Chứ không chỉ dừng lại nơi đây”.

Không bao giờ là muộn để học cách yêu một điều tốt đẹp nào đó, huống chi đây là quốc hồn, quốc túy của dân tộc, trao vào tay người trẻ những giá trị thiêng liêng bằng sự tôn trọng “chất trẻ” của họ thì nhất định chúng ta sẽ nhận lại được từ người trẻ sự tiếp sức và giữ gìn bằng niềm tin yêu, trân trọng.

Hiển nhiên cải lương sẽ còn sống và lan tỏa đến nhiều thế hệ nữa vì cải lương đâu chỉ có 100 năm.

Bình luận