Trong buổi nói chuyện chuyên đề “Chụp ảnh và nghiên cứu lỗ đen, vũ trụ học” với sinh viên TPHCM vào ngày 22/2, GS. Paul T. P. Ho đánh giá, Việt Nam có nhân lực giỏi, với nhiều bạn trẻ đam mê thiên văn, vũ trụ.
Tổng Giám đốc Đài quan sát Đông Á cho biết, sắp tới sẽ ký kết với một số viện nghiên cứu tại Việt Nam thực hiện các công trình xuất sắc về ứng dụng Big Data để xử lý các nguồn dữ liệu khổng lồ phục vụ ngành vật lý thiên văn. Ngoài ra nhà khoa học Việt có thể tham gia các nghiên cứu về viễn thông, công nghệ vật liệu làm kính thiên văn hiện đại.
Theo GS. Paul T. P. Ho, các sinh viên, nếu được đào tạo tốt và đam mê có thể tham gia các dự án này nhằm tăng cường phát triển công nghệ trong lĩnh vực vật lý thiên văn.
Điều này cũng giúp thu hút những chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài có thể quay về nước cùng hợp tác phát triển để có những nghiên cứu mới không chỉ trong lĩnh vực vật lý thiên văn mà còn nhiều ngành khác như vật liệu, công nghệ sinh học.

Đài quan sát thiên văn Đông Á do GS Paul Ho điều hành là một trong 8 đài quan sát tham gia chụp bức ảnh đầu tiên về lỗ đen vũ trụ tháng 4/2019. Đây là đài quan sát đã góp hai hệ kính vô tuyến là SMA và JCMT vào dự án kính Chân trời Sự kiện (EHT) chụp ảnh lỗ đen.
GS Paul Ho là người Mỹ gốc Đài Loan. Ông học đại học và tiến sĩ về Vật lý tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), giáo sư Đại học Harvard và là nhà khoa học cao cấp của Đài quan sát Smithsonian.
Lỗ đen, được hình thành khi một ngôi sao có khối lượng đủ lớn chết đi, là nơi trường hấp dẫn mạnh đến mức ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát ra ngoài nên không thể nhìn thấy chúng trực tiếp.
Vào ngày 10/4/2019 một nhóm gồm khoảng 200 nhà khoa học trên khắp thế giới đã công bố bức ảnh chụp đầu tiên bóng của một lỗ đen. Trong đó, các nhà thiên văn học châu Á đóng một vai trò quan trọng trong dự án, đặc biệt là vai trò của GS. Paul T.P. Ho – Tổng Giám đốc Đài quan sát Đông Á.
Theo PGS.TS Phan Bảo Ngọc, Trưởng ngành Kỹ thuật không gian, trường Đại học Quốc tế, Nhà trường mời GS. Paul T.P.Ho đến chia sẻ với các bạn học sinh, sinh viên với hy vọng sẽ thắp lên niềm đam mê về thiên văn học, vũ trụ học và vai trò quan trọng của khoa học cơ bản trong sự phát triển vượt bậc của các công nghệ tiến bộ nhất của loài người trên hành trình khám phá và chinh phục Vũ trụ.