Đăng nhập

Cần chính sách cụ thể để thu hút người tài

(VOH) - Cần có những chính sách cụ thể về tuyển dụng, phát huy chuyên môn, mức thu nhập... để thu hút người tài chứ không dừng ở việc kêu gọi chung.

Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia, trí thức đưa ra trong Hội thảo khoa học "Thực trạng và các giải pháp phát triển đội ngũ trí thức khoa học công nghệ ở TPHCM trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá" do Liên hiệp  các hội Khoa học và Kỹ thuật tổ chức sáng 28/2.

Đội ngũ trí thức thành phố hiện chiếm 21% cả nước. Tuy không đứng đầu về số lượng nhưng đội ngũ trí thức thành phố có tính thực tế cao, mạnh dạn đóng góp cho sự nghiệp chung. Dù vậy, hiện số lượng trí thức ở một số lĩnh vực hiện đại của thế giới không có hoặc có rất ít.

img thumbXem toàn màn hình

GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT TPHCM phát biểu tại hội thảo.

Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, khoảng 70-80%  cán bộ trẻ đi học nước ngoài không quay về nước do nhiều nguyên nhân như lương thấp, không phát huy được chuyên môn...

"Gần đây tôi thấy số lượng đi học nước ngoài do nhà nước gửi đi hơi ít. Chủ yếu các em tự tìm học bổng đi học mà không có định hướng gì cả. Nhà nước cần có định hướng, cấp học bổng cho những ngành mình cần đào tạo ở nước ngoài, những ngành không cần thì để xã hội tự lo.

Khi cử đi, đơn vị phải có sự theo dõi. Lâu nay, điểm dở là một trường ĐH, Viện hay Sở cử người đi học chỉ chờ em đó về chứ không có liên hệ gì cả. Cho nên khi em đó về, thường không hoà nhập ngay được".

Để phát huy được tiềm lực từ đội ngũ trí thức, nhiều chuyên gia cho rằng cần tạo hành lang pháp lý để trí thức phản biện, đóng góp, tổ chức gặp gỡ định kỳ để trí thức góp ý kịp thời về các vấn đề chung.

Về vai trò của năng lực tư duy phản biện, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và chính sách quốc gia, ĐH KHXH& NV, cho rằng: “Phản biện đòi hỏi một trí tuệ, một tư duy phản biện khoa học, chứ không phải phản biện là kể suốt ngày những tiêu cực. Đó không phải là phản biện.

Phản biện là dám nói thẳng những cái "bệnh tật" ấy, nêu ra tác hại đồng thời những giải pháp như thế nào theo khả năng nghiên cứu. Nếu chúng ta bỏ trống mặt trận phản biện này thì các thế lực chống đối sẽ chiếm lĩnh mặt trận này và người ta phản bác chúng ta chứ không phải phản biện".

Bình luận