Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng có nhiều lý do khiến việc kiểm tra đột xuất, bất chợt không nên được sử dụng nhiều trong giáo dục, bởi cách kiểm tra này sẽ không đảm bảo tính khách quan.
Không có thời gian chuẩn bị có thể dẫn đến việc học sinh không thể thể hiện được hết khả năng của mình hoặc có thể trả lời sai câu hỏi vì họ không nhớ hoặc không biết cách giải.
Cách kiểm tra này cũng tạo áp lực cho học sinh, khiến các em lo lắng và căng thẳng. Áp lực này có thể ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra của học sinh.

Mục tiêu giáo dục không chỉ là đánh giá kết quả học tập của học sinh mà còn là giúp học sinh phát triển các năng lực. Trong khi đó, việc kiểm tra đột xuất, bất chợt không đánh giá hết được quá trình học tập của học sinh.
Năm học này, cùng với đổi mới phương pháp dạy học, ngành Giáo dục thành phố tập trung đổi mới kiểm tra đánh giá, từ tư duy đến hành động.
Đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện. Đây là thay đổi mang tính chất căn bản, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức của các cấp quản lý, giáo viên và học sinh.
Lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố cho rằng để đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực, cần có những thay đổi cả về mục đích, nội dung, hình thức kiểm tra đánh giá.
Giáo viên cần sử dụng các tiêu chí đánh giá rõ ràng và cụ thể để kiểm tra đánh giá đảm bảo tính khách quan, công bằng, chính xác.