Hội thảo trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của Mạng lưới học tập Đông Nam Á (ASEAN Learning Network - ALN) và đón tiếp đoàn đại biểu thành viên ALN đến từ các quốc gia Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thụy Sĩ và các trường thành viên Việt Nam. Sự kiện là cơ hội để trao đổi và chia sẻ kiến thức phát triển kinh tế bền vững tại các vùng, chuyển giao kinh nghiệm và tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các trường trong cùng mạng lưới ALN.
Năm 2022, Hội nghị thường niên của Mạng lưới học tập Đông Nam Á (ALN 2022) chính thức được tổ chức tại Việt Nam với sự phối hợp của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và Trường Đại học ngân hàng TPHCM. Mục tiêu của chương trình nhằm tăng cường trao đổi học thuật và nghiên cứu, hỗ trợ các trường thành viên phát triển lớn mạnh cả về đào tạo và nghiên cứu đạt chất lượng quốc tế.
Với chủ đề “Đổi mới và khởi nghiệp bền vững”, với sự tham gia của 08 trường thành viên trong mạng lưới ALN, sinh viên quốc tế đang tham gia dự án “Khởi nghiệp phát triển kinh tế bền vững” (SEED) tại Việt Nam, và các đơn vị đang thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam như Đại sứ quán Thuỵ Sĩ, Hội đồng Anh, các doanh nghiệp tạo tác động xã hội…
GS.TS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM chia sẻ: “Với định hướng trở thành Đại học đa ngành và bền vững, chúng tôi luôn tập trung nguồn lực để cải tiến, phát triển các chương trình giáo dục mới, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học song song với việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức. Thế giới ngày nay đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, do đó, cùng với khu vực công và tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và liên chính phủ, các nhà khoa học, kỹ sư và trường học phải có trách nhiệm xây dựng cuộc sống tốt đẹp và bền vững hơn thông qua việc áp dụng tri thức để chuyển đổi tài nguyên thành sản phẩm và dịch vụ mà không ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ tương lai”.
Ban tổ chức hy vọng rằng, các cuộc thảo luận trong hội thảo sẽ mang đến cho tất cả mọi người cơ hội trao đổi kiến thức hữu ích liên quan đến sự phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới, cũng như chia sẻ và học hỏi các phương pháp giáo dục mới từ các đối tác để cùng nhau tạo ra một môi trường học tập và nghiên cứu chuẩn quốc tế.
Tại hội thảo, các diễn giả trình bày những chủ đề chính, có thể kể đến như: Đổi mới sáng tạo xã hội trong một môi trường bất định; Toàn cảnh đổi mới sáng tạo xã hội và giáo dục bậc cao tại khu vực Đông Á…
Thành lập Trung tâm học thuật cho sinh viên ASEAN Ngày 20/07, Trường Đại học Kinh tế TPHCM có buổi công bố chiến lược về Trung tâm ASEAN (ASEAN Hub), với sự tham gia của các đại biểu đến từ lãnh đạo Trường, Viện ISB, Đại học Western Sydney và Ủy ban Thương mại và đầu tư Úc (Austrade). Trung tâm học thuật ASEAN (ASEAN Hub) dự kiến thu hút sinh viên từ các quốc gia Đông Nam Á đến TP.HCM học tập, nghiên cứu và khởi nghiệp. Giáo sư Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết ý tưởng về một ASEAN Hub đã được trường ấp ủ từ lâu và đến nay chính thức hình thành. ASEAN Hub sẽ được đặt tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, dự kiến sẽ có những chương trình đặc biệt để thu hút các sinh viên từ những quốc gia lân cận như Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia… chọn TP.HCM làm nơi học tập. Từ đó, TP.HCM có thể trở thành điểm đến du học có thể cạnh tranh với nhiều thành phố lớn trong khu vực. “Cơ sở tại Việt Nam là trung tâm học tập đổi mới sáng tạo và hấp dẫn, phù hợp với mọi hoạt động học tập trực tiếp, tương tác và trực tuyến, bao gồm cả trải nghiệm truyền thống và hiện đại. Trung tâm ASEAN Hub sẽ là nền tảng xuất sắc cho trải nghiệm học tập và sự phát triển của sinh viên, là bước chuẩn bị để sinh viên sẵn sàng hòa nhập trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và trở thành trung tâm kết nối cộng đồng học thuật trong khu vực” Giáo sư Barney Glover - Hiệu trưởng Đại học Western Sydney, đối tác của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM trong dự án - cho biết ngoài học thuật, một trong những chức năng của ASEAN Hub sẽ trở thành vườn ươm khởi nghiệp cho những dự án đổi mới sáng tạo tiềm năng trong khu vực. Vườn ươm dự kiến hỗ trợ các bạn trẻ startup từ kiến thức, kỹ năng cần thiết đến việc kết nối các nhà đầu tư tiềm năng cũng như hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường. Các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công cũng sẽ tạo sức bật kinh tế cho TP.HCM trong thời kỳ hậu Covid. Bà Rebecca Ball - Phó tổng lãnh sự kiêm tham tán thương mại cấp cao thuộc Ủy ban Thương mại và đầu tư Úc (Austrade) - cho biết sự thành lập ASEAN Hub của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa các trường đại học Việt Nam và Úc. Bà thông tin theo thống kê trong năm 2020, có khoảng 100.000 sinh viên từ ASEAN chọn Úc làm điểm đến du học, chiếm 1/5 tổng số du học sinh. |