Tiêu điểm: Nhân Humanity

Gen Z hãy thích ứng với những thay đổi của công nghệ nhưng "đừng phụ thuộc vào AI”

VOH - Đó là lời nhắn gửi các bạn gen Z của TS. Lê Duy Tân - Giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM), đồng thời là Phó Trưởng Phòng Phòng thí nghiệm AIoT Lab Việt Nam.

Trước khi trở thành Tiến sĩ ngành Công nghệ Thông tin, chàng trai 9x - Lê Duy Tân học ngành Kỹ sư Mạng máy tính Truyền thông tại trường Đại học Công nghệ Thông tin (ĐHQG-HCM). Sau đó, anh tiếp tục hoàn thành chương trình Cao học ngành Khoa học Thông tin tại viện JAIST năm 2018.

TS. Lê Duy Tân từng là sinh viên HDR của Đại học Deakin - Úc. Anh tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Khoa học Thông tin tại Viện Khoa học Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản – JAIST năm 2021.

Lê Duy Tân báo cáo luận văn tốt nghiệp
Lê Duy Tân báo cáo luận văn tốt nghiệp - Ảnh: NVCC

Các nghiên cứu của anh tập trung vào giải quyết các vấn đề của hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là hệ thống AIoT.

Anh là tác giả chính và tác giả liên hệ của hơn 20 bài nghiên cứu được chấp nhận đăng tại các tạp chí và kỷ yếu hội nghị quốc tế uy tín. Ngoài ra, anh còn đạt giải thưởng JAIST President Award do những cống hiến dành cho cộng đồng của mình.

Năm 2022, anh nhận giải thưởng Tuổi Trẻ Golf Tournament For Start-up 2022 và là một trong những đại diện Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh các nhà khoa học trẻ toàn cầu lần thứ 10 năm 2022 tại Singapore.

Tiến sĩ 9x Lê Duy Tân có cuộc trao đổi với phóng viên VOH về nghiên cứu khoa học.

* VOH: Tại sao anh quyết định trở về Việt Nam sau nhiều năm học tập và sinh sống tại Nhật Bản?

- TS. Lê Duy Tân: Mình có 5 năm sống và học tập ở Nhật, đã thích nghi với văn hóa và con người nơi đây. Từng làm thêm ở nhiều nơi khác nhau, từ làm dự án ở Viện Đại học cho đến nhà hàng và cửa hàng, do đó, mình học được nhiều điều, từ sự chăm chỉ, tỉ mỉ, tôn trọng của người Nhật tới vốn tiếng Nhật phong phú.

TS. Lê Duy Tân
Lê Duy Tân giới thiệu văn hóa Việt Nam cho người Nhật - Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, mình quyết trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ do mình cảm thấy không thoải mái khi công việc ở nước ngoài bị quy định phụ thuộc vào loại visa mình có. Mình muốn có nhiều lựa chọn hơn cho sự nghiệp của mình.

Quan trọng nhất là do mình tốt nghiệp vào năm 2021 giữa tâm dịch Covid-19. Mình nhớ và và thật lòng muốn về nhà để góp chút nào đó sức lực của mình cho quê hương, nơi mình luôn yêu quý và tự hào.

Mình biết rằng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do dịch bệnh. Mình muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình. Mình tin rằng không đâu bằng quê hương, không đâu bằng nhà mình.

* VOH: Tại sao anh lại chọn nghiên cứu các vấn đề của hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là hệ thống AIoT tại Việt Nam?

- TS. Lê Duy Tân: AIoT - viết tắt của chữ Artificial Intelligence of Things, là một lĩnh vực mới được hình thành từ sự kết hợp của trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT).

Hai công nghệ này đang phát triển nhanh chóng và có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống. AIoT có thể mang lại giải pháp cho nhiều vấn đề phức tạp và tạo ra nhiều lợi ích cho nhiều người.

Ví dụ, AIoT có thể tăng cường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thông qua việc tự động hóa các quy trình, hỗ trợ việc ra quyết định và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên.

AIoT cũng có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc phát triển các thiết bị y tế thông minh, hệ thống giao thông thông minh và các dịch vụ chăm sóc khách hàng tiên tiến.

Ngoài ra, AIoT còn giúp bảo vệ môi trường thông qua việc giám sát chất lượng môi trường, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và giảm thiểu ô nhiễm.

Xem thêm: Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo Việt Nam tăng 7 bậc

Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển AIoT trong tương lai. Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo...

Điều này tạo ra điểm tựa pháp lý vững chắc cho sự phát triển của AIoT tại Việt Nam. Do đó, vấn đề nghiên cứu về AIoT trong thời gian tới cũng sẽ được đẩy mạnh và phát triển, nhằm tạo ra những sản phẩm nghiên cứu và ứng dụng giúp phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ môi trường. 

* VOH: Anh dự định sẽ làm những gì để cống hiến trong thời gian tới?

- TS. Lê Duy Tân: Là một người trẻ, mình có nhiều hoài bão và khát vọng cống hiến cho đất nước. Hiện nay, mình đang làm giảng viên của Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) và cũng tham gia vào các hoạt động tập huấn chuyển đổi số cho các đơn vị dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Khoa học & Công nghệ Trẻ TPHCM và CLB các Nhà Khoa học trẻ TPHCM.

Mình mong muốn góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng về công nghệ số cho các thế hệ trẻ và các đối tượng khác trong xã hội.

Ngoài ra, mình còn là một trong những thành viên sáng lập của AIoT Lab Việt Nam, một phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo kết hợp Internet vạn vật. Đây là một lĩnh vực mới mẻ và có tiềm năng lớn để thay đổi thế giới.

AIoT Lab Việt Nam
TS. Lê Duy Tân hướng dẫn sinh viên về các thiết bị AIoT - Ảnh: BN

Tại AIoT Lab Việt Nam, mình cùng các thầy cô, nghiên cứu viên, học viên, và sinh viên khác đang nỗ lực khám phá và phát triển các giải pháp AIoT tiên tiến, nhằm đáp ứng các nhu cầu và thách thức của xã hội hiện đại.

Mình hy vọng, AIoT Lab Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển để có thể đưa ra những sản phẩm nghiên cứu và ứng dụng về sản xuất, y tế, năng lượng, giao thông và cuộc sống thông minh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế Việt Nam.

* VOH:  Anh muốn chia sẻ gì với các bạn trẻ gen Z về công nghệ thông tin?

- TS. Lê Duy Tân: Với lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), mình muốn chia sẻ với các bạn trẻ Gen Z rằng, đây là một lĩnh vực rất đa dạng và phong phú, có nhiều cơ hội và thử thách cho các bạn khám phá và học hỏi.

IT không chỉ là việc lập trình hay sử dụng máy tính, mà còn là việc áp dụng công nghệ vào các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, nông nghiệp, nghệ thuật, văn hóa… IT cũng là một lĩnh vực liên tục cập nhật và đổi mới, yêu cầu các bạn trẻ phải luôn sẵn sàng học hỏi và thích ứng với những thay đổi.

Mình khuyến khích các bạn trẻ gen Z hãy theo đuổi đam mê của mình trong lĩnh vực IT, hãy tìm hiểu và tham gia vào các dự án, cuộc thi, hoạt động khoa học kỹ thuật liên quan đến chuyên ngành của mình. Hãy tận dụng những nguồn tài nguyên và cơ sở hạ tầng công nghệ hiện có để học tập và phát triển bản thân.

Hãy sáng tạo và chia sẻ những ý tưởng và sản phẩm của mình với cộng đồng. Hãy hợp tác và hỗ trợ nhau trong quá trình học tập và làm việc. Hãy trở thành những nhà phát triển có trách nhiệm và đạo đức, góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Ngoài ra, dưới sự phát triển như vũ bão của Trí tuệ nhân tạo, nhiều công cụ AI hỗ trợ rất hiệu quả như ChatGPT hay Google Bard.

Tuy nhiên, mình khuyên các bạn đừng quá phụ thuộc vào các công cụ AI này. Muốn sử dụng hiệu quả các công cụ AI, phải không ngừng học hỏi và tự hoàn thiện bản thân trước. Chỉ khi các bạn giỏi hơn AI, bạn mới có thể làm chủ AI và bắt AI phục vụ được công việc của mình.

Bình luận