Tiêu điểm: Nhân Humanity

Học gì và giáo viên nói gì về chủ đề 'Lắng nghe' trong đề thi môn Ngữ văn?

(VOH) - Sáng 16/7, 82.000 thí sinh TPHCM đã bắt đầu kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với môn thi đầu tiên Ngữ văn.

"Lắng nghe" được xác định là chủ đề chính của đề thi Ngữ văn năm nay.  

Theo đánh giá của nhiều thí sinh đề thi Ngữ văn khá nhẹ nhàng vừa sức, khả năng nhiều bạn sẽ đạt được điểm cao. Đặc biệt, phần đọc hiểu, đề đưa vấn đề thực tiễn dịch Covid-19 để học sinh phân tích từ đó yêu cầu học sinh xác định sự quan tâm giữa việc lắng nghe chính bản thân, lắng nghe mọi người xung quanh và lắng nghe thế giới tự nhiên.

thí sinh trao đổi sau khi làm bài Ngữ văn sáng nay

Thí sinh trao đổi sau khi làm bài Ngữ văn sáng 16/7. 

Thí sinh Nguyễn Nhật Nam, trường Trung học cơ sở Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp cho biết: "Đề nghị luận xã hội đưa ra câu hỏi ‘Phải chăng lắng nghe là một biểu hiện của yêu thương?’. Em thấy hơi phức tạp so với em. Còn nghị luận văn học cho ra những bài rất vừa sức, chọn 1 trong 3 bài thơ. Những bài thơ này rất cơ bản, không khó.

Em thấy đề Ngữ văn hơi hơi khó nhưng không khó quá. Em nghĩ sẽ có nhiều bạn đạt điểm cao. Những vấn đề thực tế liên quan đến dịch Covid hiện tại, ta phải lắng nghe để cảm thông mọi người hơn. Phần khó là phần liên hệ các tác phẩm khác để làm nổi bật chủ đề.", thí sinh Đoàn Trung Kiên, trung học cơ sở Đức Trí, Quận 1 nhận xét về đề Ngữ văn.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học cơ sở Hồng Bàng, đề có cấu trúc hợp lý mang tính mở. Thoạt nhìn đề có vẻ dễ chịu, tuy nhiên cũng mang tính phân hoá cao. Chẳng hạn, với câu xác định sự quan tâm giữa việc lắng nghe chính bản thân, lắng nghe mọi người xung quanh và lắng nghe thế giới tự nhiên, thí sinh phải chỉ có một lựa chọn. Nếu thí sinh không đọc kỹ, sẽ dễ bị lạc đề. Giáo viên Nguyễn Thị Thanh Huyền cho rằng để làm tốt đề đòi hỏi học sinh phải có nhiều kỹ năng.

"Nội dung của đề thi vừa bám sát được chương trình, vừa gần gũi thực tế và phù hợp với hoàn cảnh đặc biệt của đất nước đang chống dịch. Với đề thi này, để làm được bài, ngoài việc nắm vững kiến thức, phương pháp làm bài, học sinh còn phải có kỹ năng phân tích đề, có hiểu biết về cuộc sống. Cái hay của đề là có nhiều lựa chọn, tạo điều kiện cho học sinh bộc quan điểm riêng của mình, tránh việc học tủ học vẹt." - giáo viên Nguyễn Thị Thanh Huyền nói. 

Cùng quan điểm, giáo viên Nguyễn Thị Hồng, bộ môn Ngữ văn Trường Đức Trí, Quận 1, cho rằng đề gần gũi, mang tính thời sự và phân hoá tốt, đặc biệt ở câu 1d và nghị luận xã hội. Giáo viên Nguyễn Thị Hồng phân tích: "Câu nghị luận xã hội phải đọc kỹ bởi vì dạng đề này phải luận được 2 ý, tức là phải đồng ý và lật ngược vấn đề lại: lắng nghe là biểu hiện của yêu thương và lắng nghe chỉ là một phần của yêu thương không? Do đó, nếu không biện luận, các em sẽ lạc sang yêu thương là gì và làm như vậy sẽ không đúng theo yêu cầu của đề. Dạng đề này với học lực trung bình các em có thể đạt 6 điểm, khá giỏi có thể đạt 7-8 hoặc là 9."    

Chiều nay, thí sinh sẽ tiếp tục làm bài thi Ngoại ngữ trong thời gian 60 phút.

Tin tức tai nạn giao thông hôm nay 16/7/2020: Xe máy lao xuống mương nước, hai anh em tử vong thương tâm – Đang lưu thông trên đường, chiếc xe máy mất lái lao xuống mương nước, hai anh em tử vong thương tâm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải giải quyết 3 'tồn đọng' trong giải ngân vốn đầu tư công - Ngày 16/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công.
Bình luận