Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hướng nghiệp cho con nên bắt đầu từ đâu?

(VOH ) - Các chuyên gia cho rằng việc hướng nghiệp là cả một quá trình, cha mẹ nên bắt đầu sớm bằng những hình dung, ý niệm về các ngành nghề khác nhau và trải nghiệm dần.

Tại Hội thảo “Hướng nghiệp cho con: Bắt đầu trước khi quá muộn” do Hệ thống Trường quốc tế Canada tổ chức hôm qua, các diễn giả cho rằng 60-70% những nghề nghiệp đang tồn tại hiện nay có thể biến mất trong 20 năm tới. Những điều chúng ta tin tưởng là lựa chọn đúng trong hôm nay chưa chắc đã đúng trong tương lai. Thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều phụ huynh áp đặt con chọn ngành nghề A, B khi thấy bạn bè, người thân xung quanh làm những ngành nghề đó và có thu nhập cao, có địa vị trong xã hội.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng trường Song ngữ quốc tế Canada (BCIS) hướng nghiệp là hoạt động giáo dục con để con tự quyết định nghề nghiệp trong tương lai của mình trên cơ sở phân tích khoa học: năng lực của con, hứng thú, sự yêu thích và nhu cầu của thị trường.

Hướng nghiệp cho con nên bắt đầu từ đâu? 1
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng hướng nghiệp là một quá trình cần bắt đầu sớm

Việc này có thể diễn ra từ tiểu học, thông qua các cuộc trò chuyện, chia sẻ hàng ngày với con về những công việc của bố mẹ, người thân xung quanh. Thực tế, sở thích của trẻ cũng có thể  thay đổi theo thời gian, đây là điều rất bình thường. Khi con trẻ bày tỏ sự yêu thích với nhiều lĩnh vực khác nhau, không có cách nào tốt hơn là cho con trải nghiệm thực tế với những lĩnh vực đó.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ: “Phụ huynh và cả con trẻ hãy hiểu và chấp nhận những mong muốn, sự yêu thích này có thể thay đổi theo thời gian. Tiểu học con có thể thích làm giáo viên, bác sĩ nhưng lên cấp 2 muốn làm phóng viên, lên lớp 11, 12 con lại nghĩ khác, có đam mê khác. Điều này hoàn toàn bình thường, phụ huynh không cần quá lo lắng vì kể cả người lớn, khi đi làm chúng ta vẫn có thể thay đổi nghề nghiệp của mình”. Điều quan trọng khác, con cần biết những phẩm chất, tài năng, giá trị mà bản thân đang có và mong muốn theo đuổi.

Sở thích có thể thay đổi nhưng khi đã yêu thích, dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thì sở thích đó đã trở thành đam mê. Nếu trẻ có đam mê với ngành nghề nào đó, đã biết những khó khăn, áp lực, mặt trái của nghề nhưng vẫn yêu thích và quyết tâm theo đuổi thì phụ huynh có thể tin tưởng. Lúc này, phụ huynh nên tôn trọng lựa chọn và đồng hành cùng con bằng việc phân tích thị trường lao động, các cơ hội học tập...để con có điều kiện thành công cao nhất với lựa chọn của mình.

Bình luận