Tiêu điểm: Nhân Humanity

Kỳ vọng nhiều trường sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực để tuyển sinh

(VOH) - Kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) do Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM) tổ chức thu hút số lượng thí sinh đăng ký tăng đột biến so với lần tổ chức đầu tiên.

Một điểm nổi bật trong bức tranh tuyển sinh năm 2019 ở khu vực phía Nam, đó chính là Kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) do Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM) tổ chức thu hút số lượng thí sinh đăng ký tăng đột biến so với lần tổ chức đầu tiên.

Chỉ tính riêng Đợt 1 (hết hạn đăng ký ngày 28/02 - ngày thi 31/03), đã có hơn 21.000 thí sinh đăng ký dự thi, đến từ hơn 40 tỉnh, thành phố. Đông nhất là thí sinh tại TPHCM, kế đến là thí sinh đến từ Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang,… Dự kiến, ở Đợt 2 – ngày thi 07/07, số lượng thí sinh đăng ký dự thi sẽ còn tiếp tục tăng hơn so với đợt 1.

Thí sinh tham dự Kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2018

Song song đó, không chỉ riêng trong hệ thống các đơn vị ĐHQG-HCM, nhiều trường đại học cao đẳng bên ngoài hệ thống bắt đầu tin tưởng, chọn những ngành học “hot” để thí điểm xét tuyển thí sinh từ kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực này.

PV VOH trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG-HCM xung quanh kỳ thi này:

VOH: Thưa ông, Kỳ thi Đánh giá năng lực ĐHQG-HCM là một trong những cách xét tuyển vào ĐHQG-HCM. Đến nay, đã có hơn 20 đơn vị đại học cao đẳng sử dụng kết quả từ kỳ thi Đánh giá năng lực, con số này đã thực sự là con số kỳ vọng của ban tổ chức hay chưa?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính: Thực ra thì Đại học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) với mục đích chính là để tuyển sinh dành cho ĐHQG-HCM. Hiện giờ có 8 đơn vị với 6 trường thành viên, 1 Khoa vào 1 Phân hiệu của ĐHQG-HCM sử dụng kết quả này. Đây là mục tiêu chính. Tuy nhiên ĐHQG-HCM cũng hi vọng rằng các đơn vị ở ngoài hệ thống có khả năng sử dụng kết quả từ kỳ thi ĐGNL này. 

Năm 2018, chỉ có một đơn vị ở bên ngoài sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực đó là trường Đại học Thủ Dầu Một. Nhưng đến năm 2019, đến bây giờ đã có 15 đơn vị bao gồm 2 trường cao đẳng, 13 trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh.

Theo tôi nghĩ, đây là một sự phát triển khá là nhanh. Nó thể hiện rằng, các đơn vị bắt đầu tin tưởng vào kết quả kỳ thi này để tuyển sinh. Nó cũng không phải là ngoài kỳ vọng, nhưng theo tôi đây là sự phát triển nhanh. Bởi vì theo tôi, các đơn vị cũng đã có sự cân nhắc kỹ trước khi họ sử dụng một phương án mới. Và chỉ sau một năm đã có một số đơn vị đã cân nhắc. Theo tôi đó là nhanh, nhưng chúng tôi cũng kỳ vọng rằng sắp tới sẽ có nhiều đơn vị khác cùng sử dụng kết quả kỳ thi này. Đây là một phương thức rất thuận lợi cho cả trường lẫn cả thí sinh.

VOH: Thưa ông, đối với những trường đại học cao đẳng bên ngoài hệ thống ĐHQG-HCM, các đơn vị lựa chọn những ngành hot, ngành điểm của trường để dành tỷ lệ xét tuyển từ thí sinh dự thi Kỳ thi Đánh giá năng lực này, vậy theo ông đánh giá gì từ chất lượng thí sinh của kỳ thi?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính: Về chất lượng của thí sinh dự thi, cũng như chất lượng thí sinh tuyển được thông qua kỳ thi này chúng tôi rất là an tâm. Bởi vì chúng tôi đã có kinh nghiệm từ năm 2018. Những thí sinh nào tuyển được từ kỳ thi này đều đã thể hiện được năng lực học tập thật của mình qua năm học vừa rồi. Chúng tôi có minh chứng rất là an tâm. Thứ hai, kỳ thi này tiếp cận cách đánh giá năng lực học sinh một cách toàn diện. Tức là, không chỉ yêu cầu học sinh nhớ, mà chúng tôi yêu cầu học sinh có khả năng tổng hợp, có khả năng tư duy lôgic, giải quyết vấn đề.

Như vậy, chúng tôi nhận thấy rằng đấy chính là khả năng quan trọng nhất mà người học đại học cần có. Chúng tôi tin tưởng rằng những thí sinh đạt điểm cao của bài thi này sẽ là những thí sinh tốt. Mới chỉ qua kết quả của Kỳ thi năm 2018, qua đánh giá của xã hội cũng như các đơn vị bên ngoài hệ thống ĐHQG-HCM, chúng tôi cũng nhận thấy rằng kỳ thi này phải có một chất lượng như thế nào đó thì mọi người mới tin tưởng như vậy.

VOH: Hiện nay, quá trình chuẩn bị cho Kỳ thi ĐGNL từ ngân hàng câu hỏi, nội dung đề thi… như thế nào nhằm nâng cao chất lượng thí sinh năm nay, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính: Quả thật, Kỳ thi ĐGNL được bắt đầu từ năm 2018. Nhưng cũng cần biết được rằng, để thực hiện được kỳ thi năm 2018 thì chúng tôi phải chuẩn bị trước đó hai năm. Ngân hàng câu hỏi cũng đã được chuẩn bị theo một quy trình rất là chặt chẽ. Những chuyên gia hàng đầu trong hệ thống ĐHQG-HCM  cũng như bên ngoài hệ thống giáo dục Việt Nam. Do đó, đối với kỳ thi ĐGNL năm 2019 chúng tôi cũng tiếp tục kế hoạch và có phần nâng cấp rất nhiều.

Cụ thể là bổ sung ngân hàng câu hỏi, lựa chọn những câu hỏi có chất lượng thật tốt, đồng thời chúng tôi cũng mời được thêm những chuyên gia tốt hơn. Nói chung quy trình tiếp tục được phát triển. Do đó, chúng tôi tin tưởng rằng, kết quả của kỳ thi này sẽ tốt.

VOH: Ông có thể dành lời khuyên cho thí sinh để làm bài tốt bài thi Đánh giá năng lực năm nay?

 Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính: Thứ nhất đó là quá trình học tập bạn phải có định hướng rõ ràng. Đối với Kỳ thi ĐGNL này yêu cầu người học, người thi phải có năng lực tổng quát, phải học có cơ bản, không học tủ, không học lệch, có cơ bản, biết cách học, biết cách đọc, biết cách phân tích suy luận…

Nói chung là học tốt trong quá trình học tập phổ thông. Như vậy, phải có một quá trình chuẩn bị tốt. Song song với đó, cần phải có một quá trình chuẩn bị cho ngày thi mình làm tốt. Do đó phải giữ gìn sức khỏe, đảm bảo rằng trước hôm đi thi mình tỉnh táo, để ngày thi mình đạt hiệu quả tốt nhất.

Thí sinh cũng cần phải biết trước mình sẽ thi ở phòng nào, đến phòng thi đúng giờ, tránh việc bị động ảnh hưởng đến tâm lý thi. Thí sinh cần chuẩn bị dài hơi nhưng cũng lưu ý rằng đến gần ngày thi cần có sự bình tĩnh, tỉnh táo đi đến phòng thi trong tình trạng tốt nhất. Một vấn đề quan trọng nữa mà thí sinh cũng cần có một số kỹ năng để làm bài thi. Với những câu hỏi khó quá, mình tạm thời chưa xử lý, mình dành thời gian xử lý những câu dễ dàng hơn, phải cố gắng không bỏ trống bất cứ câu hỏi nào.

VOH: Cảm ơn ông !

Bình luận