Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhiều đại biểu đề cập sai sót trong sách giáo khoa tiếng Việt, bộ Cánh Diều

(VOH) - Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng nay (4/11), nhiều đại biểu đã đề cập sai sót trong sách giáo khoa tiếng Việt, bộ Cánh Diều.

Riêng đại biểu Đặng Thị Phương Thảo và Bùi Văn Phương đã có cuộc tranh luận sôi nổi.

Trước đó, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo – Đoàn Nam Định khá gay gắt khi cho rằng sách giáo khoa ở một số bộ còn thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu hệ thống logic, chưa khai thác được kho tàng văn hóa của Việt Nam, dẫn tới giáo viên vừa dạy vừa phải điều chỉnh. Những tồn tại này chỉ đến khi đưa vào sử dụng mới bộc lộ mà không được phát hiện sớm hơn.

Trong sáng nay, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo tiếp tục nói rõ hơn đề nghị "chuyển cơ quan điều tra" là đối với những cá nhân, tổ chức in sách lậu. Kiến nghị này xuất phát từ 2 căn cứ gồm thực trạng sách lậu đã tồn tại trong nhiều năm qua chưa được dẹp bỏ và từ chính cử tri địa phương.

Riêng đề nghị cơ quan điều tra xác minh những sai sót trong sách giáo khoa tiếng Việt, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo cho rằng: “Điều tra xác minh sai phạm cũng có thể trả lại sự trong sạch của cá nhân, tổ chức. Trước câu hỏi có sai hay không thì cử tri và bản thân tôi không thể trả lời mà phải có sự vào cuộc điều tra từ các cơ quan chức năng”.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo dừng thực hiện và khẩn trương rà soát, thẩm định lại với toàn bộ số sách giáo khoa này. Riêng nhóm tác giả thì nguồn lợi mà họ thu được phải gắn với trách nhiệm đến khâu cuối cùng và chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT phải rút kinh nghiệm nghiêm túc và nghiêm khắc, để quy trình biên soạn, thẩm định các bộ SGK tiếp theo không để xảy ra tình trạng như vậy. (Ảnh: CP)

Không đồng tình với ý kiến của đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn Ninh Bình cho rằng, biên soạn sách giáo khoa là vấn đề rất lớn và "ngành giáo dục đã hết sức cố gắng". Một số thiếu sót như vừa qua là "không tránh khỏi" và đây không phải sai sót quá nghiêm trọng, chỉ một số ngữ liệu ở dạng học âm, học vần chưa thật phù hợp. 

Đại biểu Bùi Văn Phương nhấn mạnh, những việc này có thể điều chỉnh và sửa được ở trong lần tái bản tiếp theo.

Đại biểu Bùi Văn Phương nói: “Tôi không phải bênh Bộ Giáo dục Đào tạo nhưng chúng ta cần nhìn nhận là sách giáo khoa Cánh Diều có sai sót, có lỗi nhưng không đến mức nghiêm trọng như ý kiến của một số đại biểu. Chúng ta có thể hoàn toàn tiếp thu và sửa chữa trong các đợt in sắp tới. Giáo viên có thể chỉnh sửa sao cho phù hợp trong quá trình giảng dạy”.

Giải trình các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hai ngày nay ông đã nghe nhiều ý kiến và trước kỳ họp, nhiều đại biểu, người dân cũng gọi điện, nhắn tin phản ánh.

Phó thủ tướng cho biết, Luật Giáo dục sửa đổi quy định rõ đơn vị chịu trách nhiệm về sách giáo khoa, từ hướng dẫn, quy trình biên soạn, thành lập hội đồng thẩm định đến việc phê duyệt sách. Luật quy định Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa. Việc này không thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nhưng Chính phủ đặc biệt rất quan tâm. Các phiên họp Chính phủ gần đây đều nói về vấn đề sách giáo khoa.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói: "Sai đến đâu, mức nào thì cần có cơ quan chuyên môn. Như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói với tôi là Bộ trưởng cũng không hề có kiến thức và kinh nghiệm dạy ngữ văn lớp 1. Nhưng qua các lần làm việc, tôi có thể nói cuốn tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh diều có lỗi, sai sót, sạn. Lỗi này cần được tiếp thu một cách cầu thị, khoa học".

Hiện Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rút kinh nghiệm nghiêm túc để quy trình biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm nay và các năm tiếp theo không xảy ra tình trạng như vậy.

Bình luận