Tiêu điểm: Nhân Humanity

Những tiết học ngoại khóa thú vị giúp học sinh trau dồi kỹ năng sống

VOH - Nhiều học sinh tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn TP Thủ Đức được hướng dẫn thực hành kỹ năng thoát hiểm thoát nạn trong đám cháy, phương pháp sử dụng Internet an toàn, lành mạnh.

Những tiết học sinh động, lôi cuốn học sinh

Vừa lau khô những giọt mồ hôi trên trán, em Nguyễn Ngọc Quý, học lớp 4/2, trường Tiểu học Trường Thạnh, TP Thủ Đức (TPHCM) hồ hởi khoe: “Hôm nay được các thầy cô hướng dẫn cách thoát ra khỏi đám cháy, em cảm thấy rất tự tin. Năm nào cũng được học cho nên chúng em vẫn luôn nhớ và thực hành đúng”.

Trường THCS Hiệp Phú trước đó cũng tận dụng thời gian chào cờ đầu tuần tổ chức hoạt động tương tự. Những kiến thức bổ ích liên quan đến giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, được giảng dạy chi tiết về lý thuyết, cụ thể về thực hành. Riêng bộ môn PCCC, bên cạnh yếu tố phòng ngừa, các giáo viên còn chú trọng đặt ra nhiều tình huống khác nhau, để khuyến khích học sinh phát biểu, đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp nhất.

HIỆP PHÚ
Trường THCS Hiệp Phú, TP Thủ Đức, thường xuyên giáo dục kỹ năng sống cho học sinh - Ảnh: Hà Hương

Những việc làm cần thiết trong đề phòng hỏa hoạn, luôn được nhà trường quan tâm nhắc nhở. Nhờ vậy, các em đã biết tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, khóa van bình gas mỗi khi nấu ăn xong, không sạc pin điện thoại, máy tính xách tay, xe đạp điện qua đêm. Đồng thời, trường cũng khuyến cáo phụ huynh đi vắng không khóa trái cửa khi có con đang ngủ trong nhà.

Dẫn chứng từ các vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tính mạng người dân, giáo viên truyền đạt cho học sinh những biện pháp phòng tránh, cách xử lý sự cố rò rỉ khí gas, ứng phó với tình huống bất ngờ khi chỉ có một mình, những động tác đầu tiên khi phát hiện đám cháy. Đặc biệt, hướng dẫn các em phương pháp di chuyển an toàn để thoát khỏi nơi có hỏa hoạn, cùng với cách thức nhằm hạn chế hít phải khói độc.

Bằng kinh nghiệm tiến hành nhiều buổi giáo dục kỹ năng “mềm” cho học sinh, cô Lê Thị Mỹ Nga - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trường Thạnh bày tỏ: “Chúng tôi kiên trì thực hiện những tiết sinh hoạt ngoại khóa, với đa dạng nội dung, phong phú về hình thức. Nhờ vậy, học sinh tiếp thu khá nhanh và vận dụng thuần thục”.

Tập cho trẻ em những thói quen tốt, biết phòng tránh hỏa hoạn, tai nạn là những điều các trường học hiện nay rất chú trọng duy trì, giúp học sinh sớm hình thành ý thức tự bảo vệ mình và khi cần có thể hỗ trợ cho người khác.

Chung tay bảo vệ trẻ em

Trước đó, gần 1.000 học sinh trường Tiểu học Hiệp Bình Phước cũng được các thầy cô phổ biến, về phương pháp sử dụng mạng Internet an toàn, lành mạnh. Phân tích những ưu điểm, tiện ích khi vận dụng công nghệ thông tin phục vụ học tập, giải trí, cùng với một số ảnh hưởng tiêu cực trong trường hợp lạm dụng loại hình này.

Nhiều ví dụ từ các vụ việc đáng tiếc đã từng xảy ra được giáo viên minh họa bằng hình ảnh để các em dễ tiếp thu và cảnh giác.

Em Lê Thảo An, học lớp 5/2 hào hứng khoe: “Tháng trước chúng em được nghe phổ biến kỹ năng sống. Hôm nay, các cô giáo hướng dẫn thêm cách sử dụng Internet an toàn em rất yên tâm”.

Chị Lê Ngọc Tuyền, 42 tuổi, cư trú tại phường Hiệp Bình Chánh, có con học tại đây tâm sự: “Nhà trường thường xuyên tổ chức những tiết học ngoại khóa, nhằm trang bị kỹ năng “mềm” cho học sinh nên các bậc cha mẹ rất yên tâm, tin tưởng. Trẻ em sớm được làm quen với những kiến thức cơ bản, sẽ trở nên tự tin và an toàn hơn trong môi trường sống”.

Hưởng ứng Tháng thanh niên, BCH Đoàn khoa Ngân hàng - trường Đại học Ngân hàng TPHCM đã tổ chức diễn đàn “Phòng chống tệ nạn xã hội, kỹ năng phòng vệ khi bị tấn công tình dục” cho gần 200 sinh viên.

Phấn khởi sau khi được cán bộ Đoàn tập huấn những động tác cơ bản, giúp tự bảo vệ mình trước kẻ xấu, nữ sinh viên năm thứ nhất Nguyễn Ngọc Cát Tường cho biết: “Những biện pháp phòng vệ chính đáng luôn cần thiết cho chúng tôi. Đành rằng ít khi xảy ra trường hợp bị quấy rối, song được trang bị sẵn “phản xạ có điều kiện” sẽ rất ý nghĩa với nữ sinh viên”.

Diễn đàn càng sôi nổi hơn nhờ đông đảo bạn trẻ đề xuất nhiều tình huống giả định, nhưng hoàn toàn có thể xuất hiện trong thực tiễn cuộc sống, bám sát hoàn cảnh của sinh viên đang ở trọ, hay lúc bất ngờ gặp kẻ xấu trong nhà vệ sinh công cộng, cá biệt khi có dấu hiệu quấy rối trên xe buýt đông người… được nêu ra đi kèm với giải pháp, có tính khả thi cao được tiếp nhận và ủng hộ.

Anh Nguyễn Minh Nhật - Bí thư Đoàn trường đại học Ngân hàng bày tỏ: “Ban chấp hành Đoàn của các khoa rất tích cực duy trì những chương trình bồi dưỡng kỹ năng “mềm”. Với mong muốn tạo nên tấm lá chắn hữu hiệu, giúp các bạn sinh viên an toàn và yên tâm học tập, cống hiến cho cộng đồng”.

Bình luận