Tiêu điểm: Nhân Humanity

Phát thanh là phương thức đào tạo quan trọng cho cộng đồng

(VOH) - Một lần nữa vai trò của sóng phát thanh được khẳng định, khi các đại biểu đều cho rằng phát thanh là phương thức đào tạo quan trọng mang lại kiến thức cho xã hội, cho cộng đồng.

Lễ kỷ niệm 25 năm phát sóng chương trình Đào tạo từ xa trên Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM được tổ chức vào chiều 19/1 tại trường đại học Mở TPHCM. 

Chương trình đào tạo từ xa do Viện đào tạo mở rộng (nay là trường Đại học Mở TPHCM) phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM thực hiện từ tháng 3/1993. Đây là một chương trình đầu tiên thực hiện đào tạo theo phương thức mở, nhằm hiện thực chủ trương xã hội hóa giáo dục, góp phần tạo nên xã hội học tập, học tập thường xuyên, liên tục và học tập suốt đời.

Phát thanh là phương thức đào tạo quan trọng cho cộng đồng

Tiến sĩ, Viện sĩ Cao Văn Phường, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TPHCM trao bằng khen của UBND TPHCM cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức phát sóng chương trình Đào tạo từ xa.

Anh Nguyễn Thanh Vân, sinh viên chương trình đào tạo từ xa niên khoá 2014-2018, đang công tác tại công ty Hoa tiêu Hàng hải, cho biết anh bỏ học từ năm lớp 9, sau đó quay trở lại theo học hệ giáo dục thường xuyên hết phổ thông.

Với mong muốn có kiến thức đồng thời vẫn đảm bảo tốt công việc hiện tại anh đã chọn hình thức đào tạo từ xa. Anh Nguyễn Thanh Vân bộc bạch: "Sinh viên chính quy có điều kiện gia đình lo, còn những hoàn cảnh như em phải tự bươn chải cuộc sống. Vì vậy, em phải tìm những điều kiện nào phù hợp nhất, và em đã chọn hình thức đào tạo từ xa, nghe qua Đài. Chương trình phù hợp nhất với em và nhiều người dân khác trên đất nước Việt Nam không có điều kiện học chính quy, đã quá tuổi, "lỡ thì", giống như em".

Với những lợi thế của phát thanh như có thể vang xa, lan tỏa khắp các vùng miền, trong 5 năm đầu phát sóng, chương trình đã thu hút trên 5000 sinh viên từ khắp các tỉnh thành đăng ký theo học chính thức để lấy văn bằng cử nhân ngành Quản trị kinh doanh. Số lượng sinh viên đăng ký theo học không ngừng gia tăng, trong những năm tiếp theo.

Đến nay, Trường đã có hơn 40 đơn vị liên kết tại các tỉnh, thành phố từ Bình Định đến Cà Mau, đến khu vực Tây Nguyên, vùng hải đảo như Phú Quốc, Côn Đảo với hàng chục ngàn sinh viên theo học hình thức đào tạo từ xa.

Phát thanh là phương thức đào tạo quan trọng cho cộng đồng

PGS.TS Vũ Hữu Đức, Phó hiệu trưởng Phụ trách Trường Đại học Mở TPHCM trao bằng khen của nhà trường cho cán bộ giảng viên có những đóng góp cho chương trình Đào tạo từ xa.

Nhìn lại quá trình 25 năm qua của chương trình, PGS.TS Vũ Hữu Đức, Phó hiệu trưởng Phụ trách Trường Đại học Mở TPHCM cho rằng: "25 năm cũng không phải quá dài, tuy nhiên để vượt qua được, cả 2 đơn vị đã có rất nhiều nỗ lực. Sứ mạng của nhà trường vẫn là hướng về phục vụ cho cộng đồng thông qua những phương thức truyền tải kiến thức thuận tiện linh hoạt.

Dù chúng tôi đã phát triển rất nhiều những hình thức mới nhưng chúng tôi vẫn luôn coi sóng phát thanh là phương thức đào tạo quan trọng trong việc mang lại kiến thức cho xã hội, cho cộng đồng".

Trong xu thế phát triển mạnh mẽ và ứng dụng rộng rãi của mạng máy tính, từ năm 2016, trường đã phối hợp với Đài tải nội dung phát sóng lên mạng internet thông qua trang web của Đài. Nội dung bài học không ngừng cải tiến, cập nhật cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và trên thế giới.

Phát thanh là phương thức đào tạo quan trọng cho cộng đồng

Ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM phát biểu tại Lễ kỷ niệm 25 năm phát sóng chương trình Đào tạo từ xa.

Ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM cho biết, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM đã liên kết với 16 đài phát thanh truyền hình trên cả nước. Với 4 kênh phát sóng hiện có, chương trình có thể triển khai hiệu quả hơn thông qua việc lựa chọn các kênh chức năng phù hợp.

Ngoài ra, ông Lê Công Đồng đề nghị: "Ban Giám hiệu Đại học Mở quan tâm thêm xây dựng và hoàn chỉnh, cung cấp bổ sung đầy đủ nhất có thể kho dữ liệu dùng chung. Làm sao để sinh viên nghe ở nhà, nghe ở xa xôi đó, nhưng khi cần nghiên cứu thêm tư liệu trong thư viện điện tử của trường, nghiên cứu những bài giảng mà thầy cô đã giảng, người ta có thể truy cập ôn luyện được. Đây sẽ là cầu nối để chất lượng chương trình của chúng ta nâng hơn".

Trong dịp này, trường Đại học Mở TPHCM cũng công bố chương trình mới với thiết kế rộng hơn, kết hợp giữa phát sóng và tìm kiếm sâu hơn trên website, cũng như người học có thể đăng ký các khoá học ngắn hạn nhằm tích luỹ kiến thức năng lực cụ thể cho phục vụ cho nghề nghiệp.

Bình luận