Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sinh viên sư phạm khởi nghiệp: thời điểm nào phù hợp nhất?

(VOH) - Tại hội thảo Khởi nghiệp của sinh viên ngoài sư phạm do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức sáng 11/12, nhiều đại biểu đã chia sẻ những gợi mở cho vấn đề khởi nghiệp.

Đối với các trường đào tạo sư phạm, người học các ngành ngoài sư phạm không có lợi thế so với sinh viên các trường về kinh doanh. Vì vậy, các chuyên gia khuyên các bạn sinh viên nên đi làm trước để lấy kinh nghiệm và trải nghiệm, chứ không nên mạo hiểm khởi nghiệp ngay.

Là một trong những người tốt nghiệp từ Trường Đại học Sư phạm TPHCM và khởi nghiệp thành công, Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc công ty Truyền thông, Tư vấn và Đào tạo Ý tưởng Việt, chia sẻ từ thực tế khởi nghiệp của mình. Bà cho rằng với sinh viên sư phạm và ngoài ngành sư phạm ngay khi mới ra trường cho đến thời điểm 5 năm sau đó, nhu cầu cụ thể của các bạn là việc làm chứ không phải là khởi nghiệp.

Vậy, chương trình đào tạo ở nhà trường mà muốn gắn với thực tế của người học sau này, phải gắn được hai yếu tố, đó là: "Chương trình đào tạo có cho sinh viên được một nhận thức rằng muốn khởi nghiệp, mong đợi được khởi nghiệp. Chương trình đào tạo cũng chưa cần trang bị những kinh nghiệm hay kỹ năng quản trị mà chương trình khởi nghiệp đó chỉ cần làm sao cho sinh viên thấy được một lộ trình: nếu muốn khởi nghiệp thì họ cần gì, chương trình đào tạo phải cho sinh viên thấy được một bức tranh.

Sau khi các bạn ra trường, đi làm, chính môi trường trải nghiệm sẽ làm cho các bạn nảy sinh rằng mình có giải pháp gì đáp ứng cho xã hội. Khi đó, các bạn quay lại với trường học để họ biết là họ đang thiếu kỹ năng gì. Khi ấy các bạn học, hành nghề, khởi nghiệp sẽ rất tốt”.

Hội thảo khởi nghiệp của sinh viên ngoài sư phạm.

Hội thảo khởi nghiệp của sinh viên ngoài sư phạm.

Trên thế giới, kiến thức về khởi nghiệp được đưa vào chương trình giáo dục từ sớm, ở các bậc học thấp. Vậy nên, các trường đào tạo sư phạm cũng phải dạy cho sinh viên về kiến thức giáo dục khởi nghiệp, vì họ sẽ là giáo viên tương lai để truyền tải kiến thức khởi nghiệp cho học sinh.

Theo Thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh, Phó Trưởng Bộ môn tâm lý học, Khoa Tâm lý học – Trường Đại học Sư Phạm TPHCM cho hay, những kiến thức môn học về khởi nghiệp không chỉ được triển khai ở bậc đại học mà cần phải được giáo dục sớm cho học sinh về những năng lực, phẩm chất cần có của một người muốn khởi nghiệp, về tinh thần khởi nghiệp. 

“Nhiệm vụ đặt ra ở trường đào tạo sư phạm, phải chăng nên cần có những môn học cho sinh viên về giáo dục khởi nghiệp để trang bị cho giáo viên tương lai sớm những kiến thức, kỹ năng liên quan đến vấn đề khởi nghiệp. Sau này, họ tốt nghiệp và trở về các trường trung học nó sẽ trở thành công cụ cần thiết để họ hỗ trợ học sinh những kiến thức về khởi nghiệp từ rất sớm”, Thạc sĩ Mỹ Hạnh nói.

Tại hội thảo, Thạc sĩ Huỳnh Xuân Nhựt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, đại diện nhóm nghiên cứu đã chia sẻ mối quan hệ giữa kết quả đào tạo và khởi nghiệp. Thứ nhất, trong các yếu tố ảnh hưởng đến việc khởi nghiệp của sinh viên trong tương lai, quan trọng nhất là yếu tố kinh nghiệm làm việc và mối quan hệ xã hội. Yếu tố kiến thức chuyên môn không được quan tâm, chỉ ở mức khá quan trọng trở xuống. Điều này cho thấy, để đảm bảo chuẩn đầu ra cũng như cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên, các trường đại học cần chú trọng hơn trong việc đào tạo kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, thiết lập mối quan hệ, nâng cao thời lượng thực hành nghề nghiệp để sinh viên không những có kiến thức chuyên ngành cần thiết, mà còn có trải nghiệm thực tế từ ngành nghề, từ đó hình thành kỹ năng và kinh nghiệm làm việc phù hợp với định hướng khởi nghiệp sau này./.

Bình luận