Cụ thể, TPHCM đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 3, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 tại thời điểm tháng 12/2023. Đây đều là các mức độ cao nhất theo quy định phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Chuẩn bị cho công tác công nhận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có 3 đoàn khảo sát đến từng quận huyện và Thành phố Thủ Đức. Trong đó, tại mỗi địa phương, đoàn kiểm tra thực tế tại 02 Phường/Xã/Thị trấn, một số trường trung học cơ sở trên địa bàn và kiểm tra trực tiếp tại 02 hộ gia đình trên địa bàn.
Kết quả khảo sát cho thấy, đối với phổ cập giáo dục Tiểu học, Thành phố huy động trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; Trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ trên 98%, số còn lại đều đang học tiểu học;
Trẻ em đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,4%, số còn lại đều đang học tiểu học; Trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục là 1.837, đạt tỷ lệ 100%.
Đối với phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, học sinh hoàn thành Chương trình tiểu học năm vừa qua vào lớp 6 đạt tỷ lệ 99,9%; Học sinh lớp 9 vừa tốt nghiệp trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên đạt tỷ lệ 99,8%;
Tỷ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 tốt nghiệp trung học cơ sở đạt tỷ lệ 98,3%; Tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 đang học chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên đạt tỷ lệ 96.6%; Tổng số thanh thiếu niên khuyết tật (từ 11-18 tuổi) được tiếp cận giáo dục gần 1.500 người, đạt tỷ lệ 100%.
Đối với xóa mù chữ, Thành phố có tổng số người từ 15 - 60 tuổi biết chữ trên 99.6%, bảo đảm tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Bà Lê Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đánh giá: “Tỷ lệ xóa mù chữ của TPHCM cao hơn mức bình quân chung cả nước (là 97,37%), đồng thời cao hơn chỉ tiêu của Nghị quyết Chính phủ”.
“So với các địa phương khác, TPHCM có sự phối hợp với Hội Khuyến học, chỉ đạo các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp dạy xóa mù chữ. Đặc biệt, trung tâm giáo dục thường xuyên Gia Định và Xung Phong tích cực phối hợp các trại giam và cơ sở cai nghiện dạy xóa mù chữ cho phạm nhân và người cai nghiện. Đây là những điển hình, mô hình tốt nên có ghi nhận biểu dương” – bà Hằng chia sẻ.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo - cơ quan thường trực phổ cập giáo dục, xóa mù chữ Thành phố tiếp tục hoàn thiện, tổ chức tái kiểm tra để giữ vững các kết quả đạt được.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng khẳng định, kết quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn Thành phố là sự nỗ lực chung của chính quyền và người dân Thành phố.