Hội thảo có sự tham dự của hơn 250 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thuộc khối tiểu học và trung học cơ sở.
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngành Giáo dục TPHCM thời gian qua có nhiều biện pháp nhằm thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành, nâng cao năng lực của giáo viên và chất lượng đào tạo của TPHCM.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đơn vị trường học và phía Google cần tập trung trao đổi 2 chiều để nắm bắt sâu sắc và có những yêu cầu sát với thực tế, nhất trong bối cảnh chuẩn bị bước vào năm học mới.

Theo ông Dũng: “Các hoạt động áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tổ chức giảng dạy bằng nhiều hình thức nhằm đảm bảo phù hợp với người học, lan toả chuyển đổi số trong toàn ngành. Mục đích cuối cùng của các hoạt động là giáo dục toàn diện cho học sinh, nâng cao năng lực đội ngũ, từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy của ngành giáo dục đào tạo TPHCM và cả nước”.
Tại Hội nghị, lộ trình triển khai trường học số Google được đề xuất thực hiện mở rộng theo từng năm. Trong đó, năm đầu tiên thí điểm mô hình lớp học số ở 1 khối lớp, năm thứ 2 thực hiện ở 2 khối lớp và năm thứ 3 sẽ mở rộng ra toàn trường.
Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ AI sẽ mang đến nhiều lợi ích cho giáo dục như: mở rộng không gian lớp học liên trường, liên quốc gia; định hướng nghề nghiệp phân luồng cho học sinh chính xác hơn trên cơ sở ghi nhận các hoạt động, tương tác trên môi trường số, hành vi truy cập, sở thích của học sinh; xây dựng nguồn dữ liệu tương đối đầy đủ của mỗi học sinh để việc dạy học hiệu quả và an toàn…
Ông Minh cho rằng: “47% công việc hiện tại dự kiến sẽ được máy móc tiếp quản, tỷ lệ công việc đòi hỏi người làm phải có năng lực số lên đến 75%. Trong 2 năm tới, 6,5 triệu đầu việc đòi hỏi phải có năng lực số.
Nếu chưa hình thành năng lực số, tham gia vào công cuộc chuyển đổi số của thế giới, học sinh - thế hệ công dân của TPHCM sẽ lạc hậu và không thể đáp ứng được nhu cầu”.