Với chủ đề "Xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục", giáo viên đã thực hiện các hoạt động như trình bày tiến trình 1 hoạt động giáo dục tại nhóm, lớp hoặc 1 nội dung giáo dục tâm đắc nhất.
Ngoài ra, giáo viên thực hành tổ chức 1 hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm/lớp theo yêu cầu bốc thăm ngẫu nhiên.
Qua đó, nhiều hoạt động giáo dục được giới thiệu thông qua hội thi như: thiết kế trò chơi âm nhạc trên phần mềm, giáo dục STEAM thông qua quy trình làm hộp quà tặng mẹ, kể chuyện với âm nhạc, đi nối bàn chân tiến lùi… giúp trẻ phát triển hiệu quả các lĩnh vực thẩm mỹ, thể chất, tình cảm…
Theo bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, đội ngũ giáo viên mầm non có kỹ năng sư phạm tốt, vận dụng linh hoạt sáng tạo các phương pháp dạy học tiên tiến như Montessori, STEM, Reggio…
Đặc biệt ở hội thi năm nay, ban tổ chức ưu tiên đánh giá hiệu quả hoạt động giáo dục thông qua ghi nhận những tiến bộ của trẻ, lấy trẻ làm trung tâm.
Bà Điệp cũng lưu ý, giáo viên mầm non cần tăng cường giáo dục cho trẻ làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, trong đó, quan tâm phát triển khả năng lao động, tự phục vụ ở trẻ.
“Hội thi giáo viên mầm non dạy giỏi cấp thành phố góp phần xây dựng môi trường giáo dục và tổ chức tốt các hoạt động trong trường mầm non. Đây là phương tiện, điều kiện để trẻ học phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, khả năng phẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho trẻ mầm non vào học lớp 1 phù hợp với chương trình” - bà Điệp cho biết.
Toàn TPHCM hiện có hơn 26.000 giáo viên mầm non, trong đó, khoảng 11.000 giáo viên thuộc các đơn vị công lập. Trong đó có hơn 10.500 giáo viên mầm non tham gia hội thi, tỷ lệ gần 40% giáo viên mầm non nói chung và khoảng 99% giáo viên mầm non thuộc các trường công lập tham gia hội thi.
Qua các vòng thi cấp cơ sở, có 98 giáo viên lọt vào vòng chung kết cấp Thành phố. Sở Giáo dục và Đào tạo đã trao 10 giải nhất, 31 giải nhì và 57 giải ba cho các giáo viên mầm non.