Trên thế giới, mô hình hỗ trợ về tâm lý đã được triển khai từ rất lâu ở mọi cấp, kể cả trong trường đại học.
“Dịch vụ hỗ trợ” này phụ thuộc vào điều kiện cụ thể như cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự, nguồn lực tài chính và chính sách của từng trường đại học, ở từng quốc gia khác nhau.
Tại Việt Nam, một số trường đại học đã bắt đầu có sự quan tâm đến sức khỏe tinh thần cho sinh viên và tổ chức trung tâm tham vấn tâm lý.
Khi trường đại học chủ động tham vấn tâm lý cho sinh viên
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) hiện nay cũng có một Trung tâm Tham vấn tâm lý và Hỗ trợ pháp luật hướng tới việc tư vấn tâm lý, hỗ trợ sinh viên.
Trung tâm tư vấn tâm lý cho sinh viên theo 3 mức độ: Mức 1 - Phòng ngừa (phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức về câu chuyện tâm lý); Mức 2 - Tư vấn theo nhóm (sàng lọc những chủ đề tâm lý chung, tổ chức buổi tham vấn nhóm); Mức 3 - Tư vấn 1-1 (mang tính chuyên sâu, cá nhân).
Ngoài ra, Trung tâm còn có những hoạt động tập huấn cho giảng viên và thư ký khoa về chủ đề giao tiếp, ứng xử với sinh viên để đảm bảo đội ngũ nhân viên nhà trường hỗ trợ khó khăn của sinh viên một cách tức thời và hiệu quả.

Nhà trường cho biết, các hoạt động Mức 1, 2 hiện đang được Trung tâm ưu tiên triển khai. Điển hình là tổ chức những chủ đề sự kiện, workshop chia sẻ về tâm lý và truyền thông về bộ phận chức năng này trong trường.
Nhu cầu đăng ký cho Mức 3 - hình thức tư vấn 1-1 được tích hợp trong hệ thống quản lý trực tuyến của sinh viên, Trung tâm sẽ theo đó sắp xếp khung giờ và nhân sự hỗ trợ sinh viên một cách phù hợp.
ThS. Nguyễn Anh Khoa – Giảng viên ngành Tâm lý học, nhân viên Trung tâm Tham vấn tâm lý và Hỗ trợ pháp luật UEF đánh giá: “Sinh viên là lứa tuổi bắt đầu có những trải nghiệm mới trong cuộc sống nên ít nhiều gặp khó khăn về mặt cảm xúc, ảnh hướng đến hiệu quả học tập.
Theo ThS. Nguyễn Anh Khoa, một số vấn đề tâm lý sinh viên thường gặp hiện nay là khủng hoảng bản sắc cá nhân, các bạn không biết mình là ai, không rõ bản thân muốn gì hoặc trăn trở về câu chuyện hướng nghiệp. Sinh viên càng đến gần thời điểm ra trường càng lo lắng về công việc tương lai...
Do đó, việc thành lập Trung tâm tham vấn tâm lý là cực kỳ cần thiết bởi nó đáp ứng cho việc hỗ trợ tinh thần sinh viên, giúp các bạn tháo gỡ các vấn đề tâm lý và hoàn thành tốt công việc học tập của mình – ThS. Nguyễn Anh Khoa đánh giá.
Tại sao sinh viên cần nơi “gỡ rối” các vấn đề tâm lý?
Mức độ căng thẳng vừa phải có thể có lợi và đóng vai trò là động lực để sinh viên học tốt, nhưng quá nhiều căng thẳng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của các em.
Những nỗi lo sợ về tương lai, việc rời xa bạn bè và gia đình cũng như việc mất cân bằng giữa học tập và cuộc sống đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của sinh viên.
Một nghiên cứu của Uni Health tại Anh năm 2019 cho thấy, 80% sinh viên học đại học có các triệu chứng căng thẳng hoặc lo lắng, trong khi một cuộc khảo sát của NUS cho thấy, cứ 10 sinh viên thì có 9 người gặp phải căng thẳng.
Khi các vấn đề sức khỏe tâm thần như căng thẳng, lo lắng mới khởi phát mà không được điều trị, những vấn đề này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và kết quả học tập nói chung.
Trường đại học là một trong những môi trường tâm lý xã hội quan trọng của sinh viên. Đây là nơi mang đến các yếu tố nguy cơ về sức khỏe tâm thần, cũng là nơi bảo vệ, hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho sinh viên.
Do đó, việc các trường đại học quan tâm, thiết lập các trung tâm cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần rất thiết thực để hỗ trợ sinh viên và giải quyết các yếu tố nguy cơ liên quan đến sức khỏe tâm thần, giúp các em hướng tới một cuộc sống lành mạnh, tích cực hơn...
Việc triển khai rộng rãi và duy trì mô hình hỗ trợ tâm lý cho sinh viên sẽ gặp nhiều hạn chế như không có không gian đặc thù cho nhu cầu tham vấn tâm lý, thiếu cán bộ tâm lý chuyên trách, chủ yếu sử dụng giảng viên kiêm nhiệm... Tuy nhiên, đây cũng là những vấn đề cần được tháo gỡ trong giai đoạn hiện nay.
Các trường cùng các sở ban ngành cần cân nhắc, có sự đầu tư phù hợp để đáp ứng về mặt nhân sự chuyên môn, cơ sở vật chất… để có biện pháp nâng cao sức khỏe tâm lý, tinh thần cho sinh viên, đồng thời tạo ra một môi trường học tập hạnh phúc và lành mạnh hơn.