Tuyên dương "những đóa hồng thầm lặng" năm 2021

(VOH) - Sáng nay 17/11, Công Đoàn Ngành Giáo Dục TPHCM tổ chức buổi Họp mặt giao lưu "những đóa hồng thầm lặng" năm 2021.

Hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà Giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2021); giới thiệu cho xã hội sự hy sinh tận tụy, sống có trách nhiệm, hết lòng của đội ngũ cán bộ, giáo viên giáo dục khuyết tật và giáo dục hoà nhập trong công tác nuôi dạy, chăm sóc trẻ khuyết tật và hoà nhập của TPHCM. Qua đó tôn vinh, tuyên dương khen thưởng những cán bộ, giáo viên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong hoạt động giáo dục khuyết tật và hòa nhập của thành phố. 

Giao lưu
Giao lưu "những đóa hồng thầm lặng" năm 2021.

Chương trình đã lắng nghe những chia sẻ đầy xúc động của 3 cô giáo đại diện cho 73 cán bộ, giáo viên dạy trẻ khuyết tật và hòa nhập tham gia chương trình. Đó là cô Phạm Thị Kim Loan - chuyên viên phòng GD&ĐT quận 10; cô Đinh Lan Phương - Giáo viên trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu; cô Tạ Lê Nhật Vy - Giáo viên dạy hòa nhập trường tiểu học Nguyễn Huệ, Q.1. 

Tham gia công tác trong ngành hơn 20 năm, với cô Phạm Thị Kim Loan, chuyên viên phòng giáo dục đào tạo quận 10, thì mọi việc đến như một cái duyên. Từ những câu chuyện của bản thân, công việc và cộng đồng đã sớm giúp cô nhận ra mỗi cá nhân, đứa trẻ đều là những cá thể đặc biệt, có những năng lực và nhu cầu nhất định thể hiện ở mức độ khác nhau. Mặc dù có những hạn chế nhất định do khuyết tật gây nên nhưng nếu được đáp ứng phù hợp trên cơ sở quy luật bù trừ thì trẻ khuyết tật cũng sẽ đạt đến khả năng phát triển nhất định. Do đó nhà trường cần tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ khuyết tật được tham gia các hoạt động. Thông qua hoạt động, trẻ khuyết tật sẽ được thỏa mãn các nhu cầu khác nhau và phát triển năng lực của các em. Mỗi thầy cô giáo, bằng sự sáng tạo của mình sẽ nâng bước và dìu dắt các em trên đường đời. 

Còn với cô Đinh Lan Phương - Giáo viên dạy trẻ đa tật trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu, thì từ chính hoàn cảnh đặc biệt của bản thân mình, cô thấu hiểu và mong muốn giúp đỡ các em khuyết tật. Trong suốt quá trình giảng dạy, không ít lần cô gặp cảnh các em có hành động bộc phát quá khích, không hợp tác. Nhưng bằng sự kiên trì nhẫn nại, cô vẫn kiên nhẫn thuyết phục, giúp các em chịu hợp tác. Trong quá trình giảng dạy, cô đã có nhiều sáng kiến tiêu biểu, được lãnh đạo nhà trường và đồng nghiệp đánh giá cao. Cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi cấp trường nhiều năm liền. Năm 2016-2017, cô giáo Đinh Lan Phương đạt giải III giáo viên dạy giỏi trẻ khuyết tật cấp thành phố. Năm 2020-2021 cô được Thành uỷ TPHCM tặng Bằng khen cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021.

Vào nghề từ tình yêu và sự ngưỡng mộ với các thầy cô giáo, cô Tạ Lê Nhật Vy, Giáo viên dạy hòa nhập trường tiểu học Nguyễn Huệ, Q.1 chọn con đường tiếp cận các trẻ "đặc biệt". Dù có muôn vàn khó khăn, thậm chí còn có sự chưa thấu hiểu của phụ huynh, nhưng cô vẫn kiên trì vượt qua. Mỗi lần "chinh phục" được một học sinh, cô cảm thấy như một phép màu. Nếu được chọn lại thì cô khẳng định mình sẽ vẫn chọn nghề này. Với cô Tạ Lê Nhật Vy, việc thực hiện tốt công tác giáo dục, chăm sóc, nuôi dạy trẻ khuyết tật, hòa nhập sẽ là cơ hội để trẻ bình thường và trẻ khuyết tật hiểu đúng giá trị của nhau, xoá bỏ sự cách biệt mặc cảm, xa lánh để trẻ có trách nhiệm với nhau hơn, giúp trẻ khuyết tật được học tại nơi trẻ sinh sống cùng gia đình, không có sự tách biệt môi trường sống; giúp trẻ khuyết tật được học nhiều hơn ở bạn, giáo viên và nhà trường, được phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố của nhân cách; giúp trẻ có tinh thần cộng đồng tập thể, có sự học tập lẫn nhau, biết yêu thương đồng cảm và giúp đỡ nhau tạo thành nhóm bạn bè. 

Dịp này, Công đoàn Ngành giáo dục TPHCM đã tuyên dương, khen thưởng cho 73 tấm gương tiêu biểu trong công tác giáo dục khuyết tật và giáo dục hoà nhập. 

Bình luận