Theo kết quả công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, tỷ lệ tốt nghiệp liên tục tăng trong nhiều năm qua. Cụ thể, năm 2020 tỷ lệ tốt nghiệp đạt 98.34%, năm 2021là 98.60%, năm 2022 là 98.57%, năm 2023 là 98,88% và 99.40% năm 2024.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), việc các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm khiến chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT bị thu hẹp.
Nhiều thí sinh điểm thi cao nhưng vẫn không đỗ được nguyện vọng mình yêu thích tạo tâm lý xã hội không tốt cho hàng ngàn thí sinh và phụ huynh.
Ông Chương đề xuất, 31/5 là thời điểm kết thúc năm học. Điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm cần được công bố sau thời gian này, tránh ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và việc học tập của học sinh.
Luật Giáo dục đại học hiện nay cho phép đại học tự chủ tuyển sinh. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường sử dụng tổng cộng hơn 20 cách xét tuyển, chủ yếu là xét tuyển sớm bằng điểm học bạ, chứng chỉ quốc tế, đánh giá năng lực, tư duy, kết hợp...
Năm 2023, 214 trong 322 trường xét tuyển sớm, số sinh viên trúng tuyển theo diện này là hơn 375.500 em (gần 50% tổng số đăng ký xét tuyển đại học).
Trong đó, nhiều trường xét học bạ từ tháng 1 với điểm của 3 hoặc 5 học kỳ, không bao gồm kỳ II lớp 12. Một số trường công bố điểm chuẩn học bạ ngay trong tháng 3.
Điều này từng được nhiều chuyên gia đánh giá là gây ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục phổ thông giai đoạn cuối, nguồn dữ liệu dùng xét tuyển cũng không đầy đủ do học sinh chưa học hết lớp 12.
Thực trạng đa phần học sinh khi đã trúng tuyển sớm gần như không tập trung hết khả năng để thi tốt nghiệp THPT. Hầu hết, các em chỉ học để đỗ tốt nghiệp.
Một số chuyên ra cho rằng, xét tuyển sớm chỉ nên dành cho phương thức xét tuyển thẳng đối với thí sinh rất tài năng, năng khiếu.
Trong trường hợp vẫn giữ phương thức xét tuyển sớm như hiện nay, Bộ nên quy định các trường chỉ được công bố trúng tuyển sau khi các em hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT.