Tiêu điểm: Nhân Humanity

Xử lý sao khi trẻ bị bắt nạt và bạo lực học đường?

(VOH) - Bắt nạt và bạo lực học đường đang diễn ra ngày càng tinh vi, dưới nhiều hình thức – khiến các học sinh bị ảnh hưởng nhiều về mặt tâm lý và thể chất.

Không chỉ có những đứa trẻ bạo hành nhau

Bắt nạt và bạo lực học đường tồn tại dưới nhiều hình thức, từ những hình thức dễ gặp như thể chất đến những hình thức tinh vi khó quan sát hơn. Đặc biệt, còn có cả hình thức bắt nạt trên mạng.

bạo lực học đường
Bắt nạt và bạo lực học đường tồn tại dưới nhiều hình thức và ngày càng tinh vi 

Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ em bị bắt nạt trong thời gian dài sẽ cảm thấy mình vô giá trị, không xứng đáng được yêu thương và thấy thế giới xung quanh không còn đáng tin cậy. Hiện nay, bắt nạt và bạo lực học đường không chỉ xảy ra trong nhóm bạn bè đồng trang lứa mà còn từ những người lớn.

Xem thêm: Tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường cho học sinh THPT

Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa – một phụ huynh và cũng là hiệu phó hệ thống The R'art school, người điều hành chương trình Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày (PDEP) cho rằng, bạo hành tại học đường xảy ra rất nhiều, không chỉ có những đứa trẻ mới bạo hành nhau mà còn từ người lớn, từ việc cô giáo ép ăn, bị sao đỏ và cô giáo bắt phạt vì tới trễ vài phút, cô giáo đánh vì viết tay trái, ép học thêm và so sánh với các bạn khác trong lớp…

Đồng quan điểm, nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng: “Nhà trường tưởng chừng là một môi trường êm ả và lành mạnh nhưng thực chất nơi đây có nhiều mâu thuẫn, xung đột. Xung đột là lẽ tất yếu của xã hội có thể chia làm hai nhánh là xung đột về nhu cầu và xung đột về mặt giá trị”.

Chị Nguyễn Thúy Uyên Phương phân tích, xung đột về mặt nhu cầu ví dụ như trong các trường hợp cô giáo ép trẻ ăn để đảm bảo về tiêu chuẩn cân nặng, đảm bảo chỉ tiêu đề ra, bắt bé phải viết tay bằng phải - còn phụ huynh lại tôn trọng ý kiến, nhu cầu của con nên phản đối việc làm của cô giáo…

Còn xung đột về giá trị có nghĩa là, bên trong mỗi người đều có một đức tin, một tín ngưỡng và một quan niệm khác nhau. Ở trẻ nhỏ, các em mang tư tưởng khác, trong khi quan niệm trong trường học cũng khác…

Các chuyên gia cho rằng, người bạo hành đôi khi cũng không nhận thức được việc mình đang làm. Giáo viên vô tình bạo hành trẻ em từ những khuôn khổ mình đặt ra mà họ không hề hay biết, thậm chí ngay cả chính giáo viên cũng bị bạo hành từ khung chương trình của trường, soạn bài giảng, bị phụ huynh bạo hành về tinh thần từ camera giám sát…

Nhà giáo dục Uyên Phương đưa ra ý kiến, không chỉ ở Việt Nam, tại các nước tiến bộ cũng xảy ra bạo lực, nhưng ở Việt Nam thông thường lại dùng “bạo lực và sử dụng quyền lực” để giải quyết mâu thuẫn. Đó chính là sự thiếu kỹ năng nền tảng và chưa biết lắng nghe nhu cầu của nhau.

Chị Uyên Phương cũng cảm thấy ngậm ngùi khi nghe được những câu chuyện dùng tiền để giải quyết mọi vấn đề và đặt ra câu hỏi: “Người lớn chọn cách giải quyết bằng quyền lực và tiền bạc liệu có tốt cho con em mình sau này?”.

Nhận biết và xử lý khi trẻ bị bạo lực học đường

Để nhận biết trẻ bị bạo lực học đường, theo chị Nguyễn Thị Thanh Hoa – Hiệu phó hệ thống The R'art school: “Cha mẹ cần làm bạn với con, tâm sự với con mỗi ngày để nhận diện qua lời nói, cử chỉ, hành động thường ngày”.

Hiệu phó hệ thống The R'art school cũng đưa ra giải pháp, đầu tiên cần phải trang bị cho con những kỹ năng xã hội cần thiết: nếu con bị bạn bạo hành thì lần một bé có thể tự giải quyết, lần hai nhờ thầy cô, còn lần ba thì con có thể tự vệ. Chị Thanh Hoa luôn nhắc nhở con: “Tuyệt đối không tổn thương ai nhưng cũng không cho phép người khác tổn thương mình”.

Còn với thầy cô, chị Nguyễn Thị Thanh Hoa bày tỏ, cha mẹ phải là người đồng hành cùng con, nhận ra sớm khi con bị bạo hành và giải quyết với thầy cô trên nguyên tắc tôn trọng và giữ gìn thể diện cho họ. Nếu sự việc đi quá xa thì theo các chuyên gia, “chuyển trường là điều không khó như các phụ huynh tưởng”.

Về mặt pháp lý, chị Phí Mai Chi - nhà thực hành quyền trẻ em và giáo dục gia đình, giáo dục dự án pháp luật và quyền trẻ em cũng chia sẻ, pháp luật dựa trên những nguyên tắc ứng xử, phải có một quy trình xử lý và không thể đổ trách nhiệm cho một bên nào. Một đứa trẻ có quyền được sống, được tự do, nhà trường là môi trường giúp các trẻ phát triển, tôn trọng người khác cũng là cách tôn trọng mình và phụ huynh cần dạy trẻ cách tôn trọng cộng đồng và cộng đồng cũng cần tôn trọng trẻ.

Các chuyên gia cũng đưa ra nhận định, nhà trường không chỉ là nơi để học mà còn là nơi để sống, phần lớn xung đột diễn ra từ việc chúng ta không biết thấu cảm nhu cầu của nhau. Phải dùng lý trí và hiểu biết để giải quyết vấn đề, vì cảm tính thường không giải quyết được gì.

Để giải quyết các vấn đề của con trẻ cần nhìn từ góc độ của chúng, trẻ em cũng có những quy luật ngầm, hãy để chúng tự giải quyết trước khi có sự can thiệp bởi người lớn.

Bình luận