Đến ngày 23/9, doanh nghiệp này tổ chức chạy tại đôi tàu SP3, SP4 để phục vụ vận chuyển hành khách.
Lý do là ngày 15/9, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đã được thông nhưng vẫn còn 20 điểm hạn chế tốc độ chạy tàu từ 5km/h đến 10km/h. Do vậy, hành trình đoàn tàu kéo dài từ 4 giờ đến 4,5 giờ.
Mặt khác lượng hành khách du lịch đến Sa Pa (Lào Cai) sau bão còn ít nên không đảm bảo hiệu quả khi tổ chức chạy tàu.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai có 15 vị trí bị cây đổ, 20 điểm ngập sâu, đặc biệt là đoạn qua Phú Thọ, Yên Bái. Sau khi lũ rút tuyến đường sắt này có hơn 45 điểm bị sạt lở, xói trôi nền đường, có đoạn bị bùn, cát bùi lấp dài hơn 1km.
Sau nỗ lực khôi phục của các đơn vị, trưa 15/9, tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai đã được khai thông, các đoàn tàu hàng khai thác trở lại dù có 20 điểm phải hạn chế tốc độ 5-10km/h.
Để đảm bảo an toàn chạy tàu khách, Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội đã tiếp tục tạm dừng đôi tàu khách SP3, SP4 đến hết ngày 22/9.
Theo Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội, do nhu cầu hành khách đi tàu tuyến Hà Nội - Lào Cai ít, chủ yếu là khách du lịch đi tàu nên thời gian qua trên tuyến này chỉ chạy đôi tàu khách SP3, SP4.
Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư, mưa lũ làm thiệt hại khoảng 130 tỷ đồng khi gây ra trên 30 vị trí sạt lở đất lấp đường sắt; trên 40 vị trí ngập nước, trôi nền đường, nền đá; hàng trăm vị trí cây, vật kiến trúc đổ vào đường sắt, đường dây thông tin, tín hiệu trên các tuyến.
Các doanh nghiệp đường sắt thiệt hại khoảng 48 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về tài sản do doanh nghiệp đầu tư khoảng 20 tỷ đồng (17 đầu máy, nhiều phương tiện thiết bị ngập nước, nhiều khu nhà cung cầu, cung đường, lưu trú, trụ sở làm việc bị tốc mái, đổ tường rào); thiệt hại doanh thu vận tải đường sắt khoảng 28 tỷ đồng khi bãi bỏ trên 22 chuyến tàu hàng, trên 54 chuyến tàu khách.