Tiêu điểm: Nhân Humanity

Những điều cần biết về bảo hiểm xe máy bắt buộc trong năm 2021

(VOH) – Bảo hiểm xe máy bắt buộc hướng đến việc bảo vệ tài chính cho chủ xe - người mua bảo hiểm, đồng thời bảo vệ tính mạng cho người thứ ba.

1. Bảo hiểm xe máy bắt buộc là gì?

Bảo hiểm xe máy bắt buộc (bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của phương tiện) là một trong những loại giấy tờ mà người điều khiển xe cơ giới phải mang theo khi tham gia giao thông tại Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC ra ngày 16/02/2016.

Bảo hiểm xe máy bắt buộc thuộc loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba (bên bị gây tai nạn). Mục đích chính của sản phẩm bảo hiểm này dùng để khắc phục hậu quả tai nạn cho nạn nhân và đảm bảo trách nhiệm của người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông đường bộ.

Phí bảo hiểm xe máy bắt buộc

Hiện nay, mức phí bảo hiểm xe máy bắt buộc được quy định tại Thông tư 22/2016/TT-BTC như sau:

  • Xe máy dưới 50cc là 55.000 đồng 
  • Xe máy trên 50cc là 60.000 đồng 

Mức phí bảo hiểm xe máy bắt buộc trên chưa bao gồm 10% VAT.

Xem thêmThủ tục đổi màu sơn xe theo quy định mới nhất

Những điều cần biết về bảo hiểm xe máy bắt buộc trong năm 2021 1

2. Quyền lợi của bảo hiểm xe máy bắt buộc

Bảo hiểm xe máy bắt buộc có trách nhiệm giúp cho người mua bảo hiểm bồi thường thiệt hại cho bên thứ ba. Trong các trường hợp xảy ra tai nạn giao thông thuộc phạm vi bảo hiểm, người điều khiển xe mô tô, xe máy có bằng lái hợp pháp sẽ không phải đền bù cho người bị va chạm và cho người ngồi trực tiếp trên xe. Thay vào đó các đơn vị bảo hiểm sẽ thay cho chủ xe tiến hành việc chi trả phần trách nhiệm dân sự này. 

Mặt khác, những thiệt hại về xe và thân thể của chính bản thân chủ phương tiện gây tai nạn sẽ không được bảo hiểm.

2.1 Đối tượng được bảo hiểm

Đối tượng được đền bù bảo hiểm là nạn nhân (gọi là bên thứ ba) trong vụ tai nạn giao thông. Có thể hiểu khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, đơn vị bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại. (Hay còn gọi là nạn nhân (bên thứ ba). 

Trường hợp chủ xe cơ giới chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại.

2.2 Mức trách nhiệm bồi thường bảo hiểm

  • Mức tối đa bồi thường khi tai nạn có thiệt hại về mặt tài sản là 50 triệu đồng/vụ. 

Trường hợp tài xế gây tai nạn với 1 xe hay 10 xe thì tổng số tiền bồi thường về mặt tài sản là 50 triệu đồng nhưng một năm thì không hạn chế số vụ tai nạn. 

  • Mức tối đa bồi thường khi tai nạn có thiệt hại về người là 100 triệu đồng/người.

Trường hợp tai nạn xảy ra và có một người chết thì được bảo hiểm chi trả cho người thân người đó 100 triệu đồng. Nếu có 3 người chết thì số tiền chi trả là 300 triệu đồng và cũng không hạn chế số vụ.

2.3 Thời hạn và hiệu lực của bảo hiểm

Thời điểm bắt đầu có hiệu lực của giấy chứng nhận bảo hiểm được ghi cụ thể trên giấy chứng nhận bảo hiểm, nhưng không được trước thời điểm chủ xe cơ giới thanh toán đủ phí bảo hiểm. 

Thời hạn bảo hiểm ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm là 01 năm.

3. Hướng dẫn sử dụng bảo hiểm để đền bù cho bên thứ ba

Cung cấp hồ sơ cho công ty bảo hiểm để được đền bù khi xảy ra tai nạn bao gồm: 

  • Thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường (giám định viên sẽ đưa mẫu cho người mua bảo hiểm ghi và nhận).
  • Tài liệu liên quan đến xe, lái xe (Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính): Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe, CMND/Hộ chiếu), Giấy chứng nhận bảo hiểm. 
  • Chứng từ chứng minh thiệt hại về người (Giấy ra viện, kết luận giám định thương tật, hồ sơ bệnh án,…).
  • Chứng từ chứng minh thiệt hại về tài sản (Báo giá sửa chữa, hóa đơn, thỏa thuận đền bù,…).
  • Hồ sơ vụ tai nạn giao thông của cơ quan có thẩm quyền: Biên bản khám nghiệm hiện trường, ảnh, sơ đồ hiện trường…

Xem thêmHướng dẫn thủ tục đăng ký xe máy cập nhật mới nhất năm 2020

4. Các trường hợp không được bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau:

  • Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại;
  • Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới;
  • Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không thời hạn thì được coi là không có Giấy phép lái xe;
  • Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại;
  • Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn;
  • Chiến tranh, khủng bố, động đất;
  • Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.
Bình luận