Sở GTVT TPHCM đánh giá tuyến buýt điện D4 là phương tiện hiện đại, sử dụng năng lượng điện thân thiện với môi trường, không gây tiếng ồn từ động cơ.
Quá trình hoạt động, tuyến buýt D4 mang lại những tín hiệu tích cực. Khối lượng vận chuyển của tuyến ghi nhận tăng, hành khách đánh giá tích cực về chất lượng.

Tuy nhiên, sau 2 năm thí điểm tuyến D4, đơn vị vận hành tuyến đã báo lỗ 33,6 tỷ đồng do tỷ lệ trợ giá quá thấp.
Tuyến buýt điện D4 được trợ giá với tỷ lệ chỉ 44,1%, bằng khoảng 2/3 so với tỷ lệ trợ giá của tuyến xe buýt sử dụng diesel, CNG.
Đây là một trong 5 tuyến buýt điện được TPHCM chấp thuận thí điểm từ tháng 3/2022.
Theo Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus là đơn vị vận hành, với tỷ lệ trợ giá là 44,1%, mức trợ giá của tuyến tương đương 309.800 đồng/chuyến. Trong khi chi phí vận hành mỗi chuyến là 702.496 đồng.
Phần doanh thu tuyến buýt phải đảm bảo 55,9% chi phí là 392.696 đồng/chuyến - tương ứng sản lượng phải đạt 71 hành khách/chuyến. Tuy nhiên, thực tế mức sản lượng trong năm 2023 chỉ đạt 29,5 hành khách/chuyến.
Sở Giao thông vận tải đã từng phối hợp với các sở ngành và Công ty VinBus ghi nhận các khó khăn, thống nhất báo cáo UBND TP cho phép điều chỉnh tăng tỉ lệ trợ giá xe buýt từ nguồn vốn sự nghiệp.
Tỉ lệ trợ giá đề xuất đảm bảo phù hợp tương đương tỉ lệ trợ giá bình quân của hệ thống xe buýt trên địa bàn TP.HCM. Điều này nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn tài chính cho đơn vị vận tải, khuyến khích doanh nghiệp vận tải công cộng sử dụng phương tiện xanh.
Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận chủ trương tiếp tục tổ chức thí điểm 5 tuyến xe buýt điện đến 31/3/2025. Đơn vị cũng tiếp tục đề xuất nâng mức trợ giá cho xe buýt điện lên tỷ lệ 64,8% để đảm bảo cho các tuyến buýt điện hoạt động hiệu quả.