Tiêu điểm: Nhân Humanity

Xử lý 32.349 trường hợp xe máy chạy trên lề đường

VOH - Xe mô tô, 2 bánh leo vỉa hè để đi nhanh hơn là hình ảnh thường thấy trên nhiều tuyến đường TPHCM, nhất là giờ cao điểm, ùn tắc giao thông.

Chưa biết những người này sẽ đi nhanh hơn bao nhiêu giây, nhưng giành giật vỉa hè, chen lấn gây nguy hiểm cho người đi bộ và mất mỹ quan đô thị là chuyện ai cũng thấy.

Theo ghi nhận, tại các ngã tư đường Kha Vạn Cân giao D2, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách mạng tháng Tám, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên phủ và đoạn đường Nguyễn Văn Bá, tình trạng leo xe lên vỉa hè để chạy xảy ra như “cơm bữa”.

anh-4-mai-thi_20241003161543
anh-1-mai-thi_20241003161526
Tình trạng chạy xe lên vỉa hè đang ngày càng phổ biến, gây ảnh hưởng xấu đến an toàn giao thông và trật tự xã hội - Ảnh: Mai Thi

Những chiếc xe gắn máy như “diễn xiếc”, thỏa sức luồn lách trên vỉa hè nhằm đi nhanh hơn. Có những đoạn vỉa hè cao hơn mặt đường gần 15cm nhưng chỉ cần đèn đỏ hoặc đường ùn tắc, nhiều người lập tức liều mình vặn mạnh ga leo lên vỉa hè để rút ngắn thời gian đợi chờ.

Chị Hồ Thị Như Quỳnh (19 tuổi) sống tại đường Kha Vạn Cân bức xúc nói: "Mình đang đi trên vỉa hè thì nhiều người đi xe máy họ leo lên vỉa hè để đi, mình phải né ra cho họ đi chứ mình sợ họ va vào mình. Cảm thấy rất là khó chịu.

Vỉa hè là dành cho người đi bộ mà xe máy đi rất nhiều. Đi như vậy mấy viên gạch lát đường bị vỡ bị bể khá nhiều. Mình thấy hành động đó không văn minh".

Còn anh Trần Thanh Phong (22 tuổi, khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai) cho biết: "Hành vi này là vi phạm pháp luật, mình thấy nguy hiểm cho người đi bộ".

Không chỉ riêng người đi bộ mà cả người dân sinh sống và kinh doanh tại một số tuyến đường cũng không ít lần khiếp vía vì xe máy lạng lách trên vỉa hè. Anh Lê Anh Hoàng (36 tuổi), kinh doanh trên đoạn đường Phạm Văn Đồng chia sẻ:  "Cứ kẹt xe là nhiều xe máy leo lên lề đường, sấn vô mấy cái tủ bánh của mình làm nó cũng bị trầy".

anh-3-mai-thi_20241003161536
Không chỉ gây nguy hiểm cho người đi bộ trên vỉa hè, việc chạy xe 2 bánh cũng góp phần không nhỏ khiến hạ tầng giao thông bị xuống cấp nhanh cho1nh - Ảnh: Mai Thi

Trao đổi với VOH vào sáng 3/10 , Sở Giao thông vận tải TPHCM nhận định: tình trạng xe 2 bánh lưu thông trên vỉa hè các tuyến đường như: đường Pasteur, Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng,…khá phổ biến, nhất là giờ cao điểm.

Tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông cho người bộ hành lưu thông trên vỉa hè, gây hư hỏng kết cấu vỉa hè hiện hữu, cũng như mất mỹ quan đô thị, nhất là những khu vực tập trung du khách và có lượng người đi bộ lớn.

Để giải quyết tình trạng nêu trên, từ cuối năm 2016, Sở Giao thông vận tải đã lắp đặt thí điểm thanh chắn trên vỉa hè một số tuyến đường trên địa bàn Quận 1.

Thanh chắn được lắp đặt theo chiều ngang vỉa hè, có bố trí dán màng phản quang, bố trí bảo đảm cho người khuyết tật và người sử dụng xe lăn tiếp cận và sử dụng thuận tiện, an toàn. Chiều cao thanh chắn so với mặt vỉa hè hiện hữu 15cm.

Một số tuyến đường Sở Giao thông vận tải đã thực hiện: Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (đoạn từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Thị Minh Khai); đường Pasteur (đoạn từ đường Lê Thánh Tôn đến Lý Tự Trọng); đường Lý Tự Trọng (đoạn từ đường Nguyễn Trung Trực đến Đồng Khởi).

Đánh giá về giải pháp nói trên, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng đường bộ - Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết: "lượng người điều khiển xe 2 bánh lưu thông trên vỉa hè đã giảm rất nhiều so với trước đây, vỉa hè đã thông thoáng và bảo đảm an toàn giao thông cho người bộ hành.

Qua theo dõi, lượng người khuyết tật đi trên vỉa hè không cao; tuy nhiên, trong các giờ cao điểm, một bộ phận người tham gia giao thông vẫn cố tình lưu thông lên vỉa hè thông qua khoảng mở rào chắn".

Sở Giao thông vận tải TP cũng đã nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều theo 2 hướng: Ủng hộ phương án lắp đặt thanh chắn trên vỉa hè và đề nghị cơ quan chức năng tăng cường xử phạt hành vi xe 2 bánh lưu thông trên vỉa hè và không ủng hộ phương án lắp đặt barie do ít nhiều cũng ảnh hưởng đến người khiếm thị và người sử dụng xe lăn, người đi bộ có vali kéo, đẩy xe nôi.

Đến nay, Sở Giao thông vận tải đã tạm ngưng thực hiện việc lắp đặt thanh chắn trên vỉa hè.

Để tăng cường bảo đảm an toàn giao thông cho người bộ hành, Sở Giao thông vận tải có nhiều văn bản đề nghị Công an Thành phố, Ủy ban nhân dân Quận – Huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông không đúng quy định trên vỉa hè gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

Theo Công an TPHCM, 9 tháng năm 2024, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 32.349 trường hợp người điều khiển xe máy đi không đúng phần đường, làn đường, đi trên hè phố (chiếm 6% tổng số trường hợp phát hiện xử lý).

Trả lời VOH, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM nhận định: Hành vi đi trên hè phố xuất hiện chủ yếu vào khung giờ cao điểm, các phát sinh trong quá trình di chuyển khó phòng tránh hơn so với các phát sinh khi bắt đầu điều khiển phương tiện.

Lực lượng CSGT trực tiếp điều hòa giao thông tại các giao lộ, ưu tiên công tác giải tỏa ùn tắc giao thông. Vì nếu càng kéo dài thời gian ùn tắc giao thông, hành vi vi phạm đi trên hè phố càng phát sinh.

Hiện Công an TPHCM đang tiếp tục thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp để kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây cản trở giao thông, trong đó kiên quyết xử lý đối với 2 nhóm hành vi vi phạm vào khung giờ cao điểm, là nguyên nhân chính gây TNGT và ùn tắc giao thông là vi phạm đi ngược chiều và đi trên hè phố.

Lực lượng CSGT sẽ thường xuyên rà soát, khảo sát thực tế để tập hợp, đề xuất kiến nghị khắc phục bất cập tổ chức giao thông phù hợp với tình hình TTATGT trên địa bàn.

Trước mắt, Công an thành phố sẽ bố trí thực hiện nghiêm tại một số khu vực trung tâm để xem xét việc huy động, phối hợp chính quyền địa phương bảo đảm TTATGT.

Gắn trách nhiệm của địa phương, nhất là khu vực trường học, công ty, xí nghiệp đóng trú trên địa bàn để thuận tiện công tác tuyên truyền, phối hợp xử lý.

Bình luận