Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tái thiết sau bão lũ: Để đau thương không tái diễn

VOH - Sau sự việc tang thương ở làng Nủ, nhiều quyết sách nhân văn, dài hơi đã được đưa ra và đang thực hiện. Các cấp chính quyền quyết tâm ổn định cuộc sống cho người dân trong thời gian sớm nhất.

Không để lặp lại nỗi đau

Cùng với nỗ lực tái thiết, hàng loạt yêu cầu cấp bách được đặt ra. Hướng trọng tâm của giai đoạn “hậu” bão lũ và các mục tiêu chiến lược, sao cho không bao giờ lặp lại ký ức đau buồn.

Thực tế cho thấy hiểm họa lũ quét, sạt lở xuất hiện ở khá nhiều địa phương. Tại Thanh Hóa, một nữ giáo viên đã nhanh nhạy phát hiện tai ương sắp ập tới, khẩn trương sơ tán 200 học sinh trước khi những khối đất đá khổng lồ đổ ập xuống ngôi trường. Nhờ vậy đã tránh được một thảm kịch thậm chí có thể thương tâm hơn làng Nủ.

Tương tự, ở Cao Bằng, một trưởng thôn bằng kinh nghiệm của một “thổ địa”, đã can đảm “vượt rào”, kịp thời tổ chức di dời hàng trăm người dân đến nơi an toàn. Sự sáng suốt và quyết đoán đã giúp cứu nguy những “bàn thua trông thấy” vào “phút 90”.

thumbnail (1)
Hình ảnh đầy cảm xúc về tình cảnh người dân trong lũ lụt được chia sẻ trên mạng xã hội.

Thời thế tạo anh hùng. Trong nguy nan thường xuất hiện những người hùng, quí nhân cứu khổ cứu nạn. Dẫu vậy, không phải ở đâu, lúc nào cũng xảy ra phép màu. Điều cơ bản nhất nằm ở phát hiện, cảnh báo sớm, nhất là tìm nơi “thiên thời, địa lợi”, mạnh dạn di dân từ địa điểm có nguy cơ thiệt hại cao do mưa bão, đến vùng an toàn, địa thế vững chãi hơn.

Bài toán tái định cư cho nhân dân, sau các trận càn quét của thiên nhiên sẽ thật gian nan, vì vậy rất cần lời giải chính xác. Không chỉ áp dụng cho các địa bàn vừa bị ảnh hưởng, lâu dài hơn cần tiến hành khảo sát, phân tích trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Xác định những nơi “yếu thế” về khả năng chịu đựng trước thiên tai, để ưu tiên những làng mới, cụm dân cư chống bão.

Chấp nhận di chuyển xa hơn nơi ở hiện tại, song bù lại đó là sự yên tâm, vừa an cư lạc nghiệp, vừa đủ sức chống chọi trước diễn biến khó lường của thời tiết.

Đâu là giải pháp

Bên cạnh việc thuyết phục người dân đồng ý “di cư”, về nhà mới, vướng mắc cơ bản khác chính là kinh phí. Cùng với nguồn chi đối ứng từ ngân sách, có thể kêu gọi xã hội hóa. Chủ trương đầy tính nhân văn này, hẳn sẽ được nhiều tấm lòng hưởng ứng, ủng hộ.

Nghĩa cử cao đẹp mới đây của tập đoàn Sơn Hải, khi tự nguyện đứng ra xây dựng hẳn một ngôi làng tại vị trí an toàn, giúp hàng trăm hộ gia đình có nhà vững chãi, rất đáng được khen ngợi và lan tỏa. Những người được tặng nhà không còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi nghe tin báo bão. Có thể xem như bước đột phá trong hoạt động thiện nguyện: cho cần câu thay vì cho con cá.

Chính quyền huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), cũng vừa kỷ niệm một năm hoàn thành mô hình cụm dân cư “sống chung với lũ”. Người dân đã không còn cảnh phải tất bật chạy lũ hàng năm, họ bình thản sống trên mặt nước.

Khi các chiến lược đúng đắn được hiện thực hóa, những điều trước kia chỉ có trong mơ đã hiển thị ngay trước mắt. Cộng đồng mong được thấy nhiều hơn những hình ảnh này, trên khắp mọi miền đất nước.

thumbnail
Trong khó khăn, những chuyến hàng cứu trợ càng thêm thắm nghĩa đồng bào - Ảnh: Thanh Bình.

Cũng sau một tai nạn gần đây, cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) đang được khắc phục bằng cầu phao. Giải pháp tình thế này đảm bảo nhu cầu lưu thông trong lúc chờ xây lại cầu.

Dẫu vậy, cần “khám sức khỏe” cho toàn bộ những chiếc cầu “cao tuổi” trên cả nước. “Tầm soát” nhằm phát hiện sớm các điểm yếu, khẩn trương sửa chữa, đại tu, cần thiết phải xây mới, để không tái diễn sự cố đau lòng. Cứu hộ dưới nước luôn khó khăn bội phần so với trên cạn.

Kiểm tra cầu đường bộ và kể cả cầu đường sắt. Thật hồi hộp mỗi khi đoàn tàu dài hàng trăm mét chạy qua những cây cầu yếu. Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng’, chờ nước đến chân mới nhảy bao giờ cũng vất vả hơn.

Bình luận