Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tăng tuổi nghỉ hưu: nên hay không nên?

(VOH) - Thưa bà con! mấy hôm rày đi đâu Hai Sài Gòn cũng nghe hay được hỏi về “Dự thảo sửa đổi luật Lao động” của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa 14. Không những thế mấy anh em trong xóm cũng “dí” Hai tui là có tăng tuổi nghỉ hưu lên hay không?

Hai Sài Gòn trả lời là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang cân nhắc các phương án tăng tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức, trước khi đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật lao động. Trong đó dự kiến có hai phương án, tăng từ 60 lên 62 đối với nam và tăng từ 55 lên 58 hoặc từ 55 lên 60 đối với nữ. Việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm ứng phó với già hóa dân số, sử dụng tốt nguồn nhân lực và cân đối quỹ lương hưu.

Theo Tư hưu trí thì tốt nhứt là giữ chế độ nghỉ hưu như hiện nay, nếu những người tới tuổi nghỉ hưu mà còn khả năng trình độ chuyên môn thì cơ quan sử dụng nên ký hợp đồng tiếp tục cộng tác. Hiện nay không ít người nhứt là những người có vị trí quản lý rất sợ nghỉ hưu vì họ quan niệm

“Nghỉ hưu là chết lâm sàng

Ngỡ ngàng đời thật ngỡ ngàng đời không

Đương chức là quạ là công

Về hưu mới biết mình không là gì …”.

Anh em nghe ai cũng cười, Hai Sài Gòn nghiêm mặt và chỉnh Tư hưu trí, bởi đây là vấn đề nghiêm túc. Rồi anh cho biết chuyện tăng tuổi nghỉ hưu có nhiều ý kiến trái chiều. Phần đông những ý kiến phản đối xuất phát từ những người lao động trong các ngành nghề nặng nhọc hoặc có phần vất vả, thu nhập ở mức thấp hoặc trung bình; ý kiến ủng hộ phần nhiều được đưa ra từ những đối tượng làm công tác nghiên cứu, những lĩnh vực cần chất xám cao, những cán bộ công chức viên chức đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo. Nói chung là các vị ngồi văn phòng máy lạnh.

Qua theo dõi dư luận về chuyện nầy, Tư hưu trí cho biết lý do nhiều người ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu vì tuổi thọ của người Việt ngày càng cao. Nên có thể tăng tuổi nghỉ hưu nhưng chỉ nên tăng thêm khoảng 2 tuổi và tuổi nghỉ hưu của nữ nên quy định bằng với nam giới để thể hiện quyền bình đẳng nam nữ, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế hiện có nhiều lao động nữ đã ở tuổi 55 nhưng trí óc minh mẫn, đủ sức khỏe đảm đương công việc, chưa kể là họ đã tích lũy được nhiều tri thức và kinh nghiệm.

Ảnh minh họa - Nguồn: HNM

Tuy nhiên, luồng ý kiến phản đối việc nâng tuổi nghỉ hưu có vẻ “vượt trội” bởi đa số người lao động, kể cả một bộ phận người có chức vụ đều mong muốn nghỉ hưu đúng tuổi (nữ 55, nam 60). Lý giải cho điều này, nhiều ý kiến cho rằng sau 60 tuổi năng suất lao động sẽ không cao, tuổi nghỉ hưu hiện tại phù hợp với khả năng lao động và tuổi thọ trung bình của người Việt.

Cũng có người mạnh bạo hơn khi cho rằng sẽ là nhẫn tâm nếu buộc người lao động tiếp tục làm việc sau tuổi 60 vì ở độ tuổi này đã xuất hiện những bệnh tật của sự lão hóa, năng suất lao động giảm, tư duy và ý chí bắt đầu đi xuống.

Hai Sài Gòn cung cấp thêm “Hiện nay chúng ta có hơn 200.000 lao động có bằng cử nhân, kỹ sư, nói chung là tốt nghiệp Đại học, thậm chí trên Đại học đang không có việc làm, nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm giảm cơ hội cho những người trẻ, vậy là đi ngược chính sách trẻ hóa độ tuổi lao động trong cơ cấu nhân lực.

Nãy giờ ngồi nghe Tư hưu trí cùng Hai Sài Gòn bàn luận, Ba thợ hồ hỏi “mục đích tăng tuổi hưu có phải nhằm giảm áp lực cho BHXH hay không? Theo anh, tại sao không dựa trên lợi ích của người dân mà cứ phải dựa vào lợi ích của cơ quan BHXH? Nếu vì sợ quỹ BHXH tại sao không tăng thời gian đóng quỹ BHXH tối thiểu từ mức 20 năm hiện nay lên 25 hoặc 30 năm và tính tuổi nghỉ hưu theo vị trí và công việc của người lao động. Như thế là ổn nhứt. Cả Hai Sài Gòn lẫn Tư hưu trí đều cho đề xuất của Ông thợ “xách xi măng đi tô” rất ư là biện chứng.

Chứng minh cho việc nghỉ hưu theo vị trí và công việc của người lao động, Tư hưu trí dẫn lời đại biểu Quốc hội khóa 13 Đặng Ngọc Tùng  khi chất vấn: “Tôi nghe nói sau năm 2030 quỹ BHXH có khả năng sẽ vỡ, vậy là rất nguy hiểm nếu không sửa luật. Tổ chức Lao động quốc tế khuyến cáo 2 vấn đề: tăng thêm tuổi nghỉ hưu để kéo dài thời gian đóng BHXH và đóng BHXH trên lương chứ không đóng trên lương tối thiểu. Vì sao ban soạn thảo lại chỉ đề xuất tăng tuổi hưu? Liệu tăng tuổi nghỉ hưu có phù hợp với bộ luật Lao động hiện hành hay không, trong khi các ngành nghề dệt may, thủy sản… về hưu trở thành mơ ước của người lao động”.

Theo Hai Sài Gòn: “Rõ ràng chuyện tăng hay không tuổi nghỉ hưu là vấn đề nóng hiện nay, thậm chí có người còn cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu chỉ tạo điều kiện cho những vị lãnh đạo thiếu tâm huyết kéo dài thời gian hưởng thụ bổng lộc do chức vụ mang lại. Một dạng tiếp tục góp phần làm nghèo đất nước mà thôi.

Tất nhiên đây là nhận định võ đoán, nhưng thực tiễn cũng đã xảy ra. Bởi vậy Bộ trưởng Mai Tiến Dũng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn Chính phủ, cho rằng việc nâng tuổi nghỉ hưu cần được xem xét một cách tổng thể, phù hợp với tuổi thọ trung bình và điều kiện kinh tế - xã hội; bảo đảm việc làm, thu nhập của người lao động đang làm việc và người bước vào độ tuổi lao động; bảo đảm an sinh xã hội, chế độ hưu trí...

Ngoài ra, vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động liên quan đến lực lượng lao động xã hội, quyền lợi của người lao động và có tác động xã hội rộng lớn, nên phải nghiên cứu, phân tích kỹ với nhiều phương án, lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định”...

Hai Sài Gòn rất đồng tình ý kiến nầy của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và xin bổ sung “Cần căn cứ vào mong muốn, nguyện vọng của mỗi người. Bởi có những người họ không muốn thì không thể bắt buộc. Cần có cách làm phù hợp để đỡ lãng phí một nguồn nhân lực cho xã hội. Bao nhiêu công đào tạo, kiến thức tích lũy cũng như kinh nghiệm mà nghỉ sớm thì cũng uổng’.

Bình luận