Tiêu điểm: Nhân Humanity

Học ngành Quản trị nhân lực sẽ làm công việc gì?

(VOH) - Vai trò của người quản trị nhân sự trong doanh nghiệp rất quan trọng và người học Ngành Quản trị nhân lực có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc khác nhau liên quan tới công việc này.

Người học ngành quản lý nhân sự có thể đảm nhận các vị trí khác nhau sau: Nhân viên tuyển dụng; Nhân viên hành chính văn phòng mảng nhân sự; Nhân viên xử lý quan hệ nội bộ và hình ảnh bên ngoài của doanh nghiệp; Chuyên viên chính sách đãi ngộ của công ty, tổ chức; Người quản lý đào tạo và phát triển nhân sự…

Nhu cầu về tuyển dụng nhân lực quản lý nguồn nhân lực hiện nay đang tăng trưởng mạnh. Về nguồn cung nhân lực, ứng viên tìm kiếm cơ hội trong ngành quản trị nhân lực cũng nằm trong top 10 những ngành có nguồn cung ứng viên nhiều nhất trong cơ sở dữ liệu của VietnamWorks.

Ngoài ra, ngành quản trị nhân lực cũng là một trong những ngành thu hút ứng viên, với tỷ lệ chọi là 1/73 trên một công việc đăng tuyển, đứng thứ 2 về tỉ lệ chọi trên cơ sở dữ liệu. Những số liệu trên cho thấy thị trường tuyển dụng ngành này đang rất sôi động.

ngành quản lý nhân lực
Ngành quản trị nhân lực cũng là một trong những ngành thu hút ứng viên, với tỷ lệ chọi là 1/73 trên một công việc đăng tuyển - theo cơ sở dữ liệu của VietnamWorks.

Các tố chất cần thiết để có thể học và làm việc được trong ngành Quản trị nhân lực?

Ngành Quản trị nhân lực đòi hỏi người làm một số tố chất như sau:

* Giao tiếp tốt, tự tin thiết lập các mối quan hệ xã hội: Quản trị nhân lực là sự không ngừng truyền đạt những thông điệp thông qua giao tiếp ngôn ngữ cũng như giao tiếp hình ảnh. Về mặt ngôn ngữ, người có kỹ năng giao tiếp sẽ xử lý nhanh các vấn đề phát sinh, cũng như có thể đạt kết quả cao nhất trong đàm phán thương thuyết với khách hàng, đặc biệt là với nhân lực của mình.

* Có lòng đam mê và trách nhiệm với nghề: Để đạt thành công với ngành này, lòng đam mê, trách nhiệm là tố chất cần có của những người mong muốn trở thành quản lý nhân sự.

Người có lòng đam mê, trách nhiệm với nghề sẽ luôn tận tâm, tận tình, dốc hết sức mình cống hiến cho các công việc chung và cho cả người lao động. Luôn đặt mình vào vị trí của người lao động để có thể đồng cảm, thấu hiểu, từ đó chăm sóc đời sống tinh thần và vật chất của người lao động tốt hơn, cũng như không quản ngại khó khăn đưa ra các chính sách có lợi cho người lao động.

* Biết lắng nghe: Đây chính là câu trả lời mấu chốt cho câu hỏi “Học ngành Quản trị nhân lực yêu cầu những gì?”, luôn luôn lắng nghe là điều quan trọng cần thiết nhất của người làm Quản trị nhân sự, cũng như bất cứ ai làm quản lý, tất cả đều cần có kỹ năng lắng nghe. Khi bạn thực sự lắng nghe, chắc chắn sẽ có rất nhiều ý tưởng xây dựng để phát triển công ty, song song đó là việc hiểu được những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân viên, cấp dưới và người lao động.

* Có tầm nhìn, sáng suốt, bình tĩnh trong việc ra quyết định: Ngoài những tố chất cần có của ngành Quản trị nhân lực, thì người có tầm nhìn sáng suốt, bình tĩnh trong việc ra quyết định là điều không thể thiếu.

Người quản lý nhân lực cần có cái nhìn bao quát chung về những chiến lược, phương hướng phát triển doanh nghiệp, từ đó can thiệp và tận dụng nguồn nhân lực một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, có tầm nhìn nhạy bén, sâu sắc, “nhìn xa trông rộng” sẽ giúp cho người quản lý nhân lực phân tích, xử lý tốt các vấn đề và các mối quan hệ trong doanh nghiệp.

* Khả năng ngoại ngữ: Người làm công việc quản trị nhân lực thành thạo ngoại ngữ sẽ đáp ứng được nhu cầu giao tiếp với khách hàng nước ngoài; tổ chức được những buổi hội thảo lớn nhằm giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm cho nhân viên của mình… Với khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh thì bạn sẽ nắm trong tay một lợi thế lớn và cũng là bước đệm vững chắc để bạn có thể phát triển công việc của mình.

Tố chất để có thể thành công trong ngành Quản trị nhân lực không chỉ gói gọn ở những điều trên, bạn cần phải rèn luyện nhiều kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kinh nghiệm nghề nghiệp, thể hiện được bạn là người năng động, linh hoạt trong công việc, phát huy được năng lực lãnh đạo, nhạy bén trong việc xử lý tình huống....

Việc xác định rõ các tố chất và thiên hướng nghề nghiệp, hay hiểu rõ “ngành Quản trị nhân lực yêu cầu những gì?” là bước quan trọng cho lộ trình học tập và làm việc về sau. Nếu bạn đã rõ học ngành Quản trị nhân lực yêu cầu những gì thì hãy tiến hành ngay bước chọn trường để có được địa chỉ đầu tư kiến thức phù hợp nhất.

Các trường đại học đào tạo ngành Quản trị nhân lực

Một số trường đào tạo ngành quản lý nhân lực khu vực Miền Bắc: trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Thương mại, trường Đại học Công Nghệ Đông Á; trường Đại học Công nghiệp; trường Đại học Lao động – Xã hội.

Một số trường đào tạo ngành quản lý nhân lực khu vực Miền Nam: Học viện Hàng không Việt Nam, trường Đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM, trường Đại học Kinh tế TPHCM, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, trường Đại học Mở TPHCM…

Các tổ hợp môn tuyển sinh vào ngành này?

Hiện nay, các trường đại học tuyển sinh ngành học này với một số tổ hợp môn như: Khối D01 (Toán – Văn – Anh); Khối A01 (Toán – Lý – Anh); Khối D03 (Toán – Văn – Tiếng Pháp); Khối D09 (Toán – Anh- Lịch sử), Khối D03 (Toán – Văn –Tiếng Pháp); Khối  A00 (Toán – Lý – Hóa)…

Đối với ngành đào tạo này, Học viện Hàng không Việt Nam tuyển sinh 02 phương thức và tổ hợp môn như sau: Xét theo học bạ: A01, D01, D14, D15; Xét theo điểm thi THPT Quốc gia: A01, D01, D78, D96.

Một số môn học đặc trưng của chuyên ngành quản trị nhân lực

Chương trình cử nhân Quản trị nhân lực đào tạo cho sinh viên những kiến thức cơ bản và kiến thức nâng cao chuyên ngành đồng thời nhằm tạo ra những tri thức khoa học làm nền tảng cho đào tạo ở bậc cao hơn.

Bên cạnh đó cử nhân Quản trị Nhân lực cũng có năng lực thực hiện hiệu quả các công việc của quản trị nguồn nhân lực như hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch nhân lực doanh nghiệp; biết phân tích thiết kế công việc, tuyển dụng, đào tạo và phát triển, đánh giá kết quả thực hiện công việc, lương thưởng và phúc lợi, sức khỏe và an toàn lao động; biết thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ lao động doanh nghiệp...

Cử nhân Quản trị Nhân lực còn có kỹ năng phân tích, phản biện và giải quyết các vấn đề về nhân sự, có năng lực tự học, nghiên cứu và học tập ở bậc học cao hơn.

Đối với ngành Quản trị nhân lực tại Học viện Hàng không Việt Nam, chương trình đào tạo được thiết kế với tính ứng dụng, thực hành cao. Sinh viên sẽ được đào tạo theo ba lộ trình:

  • Khối kiến thức nền trong các lĩnh vực như: khoa học xã hội, kinh tế, tài chính, kinh doanh, quản trị học, quản trị marketing, quản trị văn phòng…
  • Khối kiến thức chuyên ngành thông qua các môn học như: Quản trị tiền lương, An toàn lao động, Luật lao động, Hành vi tổ chức, Quản trị nguồn nhân lực trong ngành hàng không, Nghệ thuật lãnh đạo, Quản trị và giữ chân người lao động, Quản trị nhân lực trong môi trường đa văn hoá…

Ngoài ra, người học ngành Quản trị Nhân lực còn được trang bị những kĩ năng liên quan đến chuyên ngành như: khả năng phân tích môi trường kinh doanh; khảo sát, nghiên cứu thị trường lao động đưa ra báo cáo đánh giá về những biến động để hoạch định, tổ chức, thực hiện các kế hoạch, chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho công ty, doanh nghiệp.

Đọc thêm:

Ngành học nào hiện chỉ có một trường đại học duy nhất tại Việt Nam đào tạo?

Học Kỹ thuật xây dựng công trình thủy ra trường sẽ làm những công việc gì?

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm những công việc gì? Ở đâu?

Sau khi được đào tạo bài bản tại trường, nắm vững kiến thức và kỹ năng chuyên môn, sinh viên có thể dễ dàng tìm được những vị trí công việc thích hợp tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với những vị trí công việc như:

  • Nhân viên hành chính nhân sự
  • Chuyên viên tuyển dụng, tư vấn nhân sự, tư vấn các khóa học nhân sự
  • Chuyên viên lương- chính sách (C&B)
  • Chuyên viên truyền thông hoặc xử lý quan hệ nội bộ.
  • Quản lý đào tạo nhân sự.
  • Chuyên viên quản lý nội dung các trang tin tuyển dụng
  • Giáo viên, giảng viên tại các sở giáo dục đào tạo: trường đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề có ngành Quản trị nhân sự...

Mức lương của những người làm việc trong ngành nghề này

Thông thường, khi đưa ra quyết định về mức lương, người ta quan tâm nhất đến thâm niên, môi trường làm việc. Nhân viên phòng nhân sự làm việc từ 2 - 3 năm, mức lương trung bình khoảng 10 triệu/tháng. Có thể nói so với những công việc hành chính văn phòng khác thì đây là một mức lương khá cao.

Cụ thể, mức lương khởi điểm của nhân sự nhân sự là 6 - 7 triệu đồng/tháng, người đang học ngành phù hợp, thời gian thực tập trên 3 tháng, người thông thạo ngoại ngữ có thể lên đến 7 - 8 triệu đồng/tháng. Mức lương tối đa của nhân viên phòng nhân sự là 20 triệu đồng/tháng.

Lương giám đốc nhân sự từ 30 - 40 triệu đồng/tháng, cao nhất có thể là hơn 100 triệu đồng/tháng - thường là ở tập đoàn lớn với hàng nghìn công nhân viên. Ở những tập đoàn có cơ cấu nhân sự phức tạp thì giám đốc nhân sự sẽ quản lý nhiều trưởng phòng nhân sự.

Ngoài việc được gọi là nhân sự, vị trí này còn có thể được gọi là chuyên viên nhân sự hoặc giám đốc nhân sự tổng hợp, giám đốc hành chính nhân sự, giám đốc tuyển dụng nhân sự. Mỗi vai trò cụ thể có những nhiệm vụ cụ thể khác nhau nhưng đều xoay quanh chất lượng nguồn nhân lực. Mức lương của các vị trí này ít nhiều sẽ khác nhau, nhưng về cơ bản là giống nhau.

Cơ hội thăng tiến trong nghề? cần học hỏi thêm như thế nào để phát triển nhanh trong nghề?

Cũng như các ngành nghề khác, làm việc trong nghề Quản trị Nhân lực bạn cũng phải bắt đầu từ những vị trí thấp nhất sau đó mới tích lũy kinh nghiệm và thăng tiến lên các vị trí cao hơn. Chính sự tích lũy kinh nghiệm tại các vị trí sẽ tạo cho bạn một nền tảng kiến thức vững chắc cả về lý thuyết và thực tế.

Lộ trình thăng tiến của một HR thường như sau: HR intern => HR Staff / HR Admin => HR Executive => HR Manager => HR Director.

Bên cạnh nhiệm vụ tuyển dụng vào đào tạo, HR còn đảm nhiệm rất nhiều vai trò khác nữa, như là C&B (lương thưởng, phúc lợi), điều phối mối quan hệ lao động và hành chính nhân sự. Phụ thuộc vào quy mô lớn, nhỏ của doanh nghiệp mà bộ phận HR sẽ có thêm các nhiệm vụ khác với những vị trí công việc và chức danh khác nhau.

Quản trị nhân lực là một nghề mang đến cho bạn nhiều cơ hội phát triển bản thân và thăng tiến. Ngoài ra thu nhập của ngành quản trị nhân sự cũng khá cao, bạn có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người, nhiều ngành nghề và có cơ hội rèn luyện bản thân.

Những người làm nghề quản lý nhân lực thường phải đối mặt với nhiều áp lực do đó cần cân bằng giữa lợi ích của các thành viên, nhóm người khác nhau. Muốn theo đuổi nghề này đòi hỏi bạn cần có sự kiên nhẫn, khéo léo, kỹ năng giải quyết vấn đề.

Bình luận